Ban ATGT tỉnh cho biết, năm 2024, Bình Thuận đã xảy ra 603 vụ tai nạn giao thông, làm chết 194 người và làm bị thương 516 người. So với năm 2023, tăng 110 vụ (22%), giảm 38 người chết (16,4%) và tăng 179 người bị thương (53%). Trong đó, đường sắt xảy ra 5 vụ, làm 4 người chết, 1 người bị thương; đường bộ xảy ra 598 vụ, làm chết 190 người và làm bị thương 516 người. Riêng quốc lộ 1A xảy ra 123 vụ tai nạn giao thông, trên 2 tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông.
Qua điều tra, nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông đường bộ nhiều nhất là do lái xe không chú ý quan sát (chiếm trên 30%), đi không đúng phần đường, làn đường (chiếm 13%), chuyển hướng sai quy định (chiếm 5%)… Nguyên nhân sâu xa do ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn chưa cao, chưa tự giác chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT. Việc chấp hành quy định về nồng độ cồn khi lái xe còn mang tính đối phó; nổi lên tình trạng chạy xe mô tô tốc độ cao, thiếu chú ý quan sát va chạm vào đuôi xe ô tô đi cùng chiều hoặc đang dừng, đỗ gây tai nạn giao thông.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, nhất là trong dịp lễ, tết. Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông từ 5% - 10% trên cả 3 tiêu chí). Do đó, các sở, ban, ngành, địa phương phải triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp đảm bảo trật tự ATGT, trước mắt tập trung triển khai ngay các nhiệm vụ đảm bảo giao thông trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân năm 2025. Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền quy định về nồng độ cồn khi lái xe và các quy định pháp luật về trật tự ATGT có trọng tâm, trọng điểm.
Yêu cầu Ban ATGT tỉnh phối hợp tổ chức kiểm tra, rà soát các điểm đen, điểm mất ATGT để xử lý trong năm 2025. Chủ động theo dõi, giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về bảo đảm giao thông của Ban ATGT các địa phương có các tiêu chí tai nạn giao thông tăng, đề ra biện pháp, giải pháp xử lý, chấn chỉnh. Công an tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về trật tự ATGT trên các tuyến đường trên địa bàn quản lý. Tiếp tục thực hiện các cao điểm, chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn, kiểm soát phương tiện kinh doanh vận tải.
Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với nâng cao điều kiện ATGT; xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ. Chủ động phối hợp kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung giám sát việc thực hiện cam kết chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của học sinh, phụ huynh học sinh; phối hợp kiểm tra hợp đồng thuê xe chở học sinh tại các trường học nhất là xe hợp đồng đưa đón trẻ em mầm non, tiểu học; chấn chỉnh và xử lý các trường hợp không đảm bảo theo quy định pháp luật.
UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chỉ đạo quyết liệt công tác lập lại trật tự lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT đường bộ. Các địa phương có cao tốc đi qua phải cảnh báo, nhắc nhở người dân không được đi mô tô - xe gắn máy, các phương tiện thô sơ, đi bộ vào cao tốc. Các địa phương có tuyến đường sắt đi qua không để phát sinh lối đi dân sinh trái phép qua đường sắt; phối hợp rà soát, thống kê đường gom để xóa bỏ lối đi tự mở phù hợp với hiện trạng quản lý trên địa bàn…