Thúc đẩy phát triển sản xuất quy mô lớn
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 128 ha trồng trọt đã được cấp chứng nhận hữu cơ. Trong đó có 124,5 ha trên cây thanh long và 4,5 ha chứng nhận hữu cơ trên cây nho. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có trên 7.330 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, bao gồm hơn 2.455 ha cây điều sản xuất theo hướng hữu cơ tại Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Hàm Tân; diện tích lúa theo hướng hữu cơ 4.615 ha tại Tánh Linh, Đức Linh, Tuy Phong, Hàm Tân, La Gi. Ngoài ra, diện tích thanh long theo hướng hữu cơ 129 ha cùng một số diện tích rau, cây ăn trái khác đang được triển khai tại các địa phương.
Về chăn nuôi, thực tế đến thời điểm này tỉnh chưa có cơ sở chăn nuôi đạt chứng nhận hữu cơ mà đa phần là các hộ, trang trại chăn nuôi theo hướng hữu cơ và đang từng bước chuyển đổi sang chăn nuôi hữu cơ…Trong đó, chủ yếu chăn nuôi bò thịt với 1.720 hộ; chăn nuôi heo 1.669 hộ; gia cầm 764 hộ và dê 317 hộ chăn nuôi. Riêng về lâm sản hữu cơ, tỉnh đang tập trung phát triển cây dược liệu dưới tán rừng với nhiều loài quý, có giá trị kinh tế cao như nấm linh chi, hoàng đằng, củ mài, rau sâm đất, trà hoa vàng…nhưng chưa được chứng nhận hữu cơ vì quy mô nhỏ. Về thủy sản hữu cơ, tỉnh đã quy hoạch, định hướng phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Tuy nhiên đa số diện tích nuôi trồng còn nhỏ lẻ, chủ yếu theo hướng hữu cơ như nuôi cá thác lác, tôm thẻ chân trắng. Chưa có diện tích nuôi trồng thủy sản được chứng nhận hữu cơ.
Đáng chú ý, Bình Thuận có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 356.746 ha, bờ biển dài và vùng lãnh hải rộng lớn. Do đó, tỉnh có điều kiện để phát triển toàn diện ngành nông nghiệp trên cả 3 lĩnh vực là trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Nhưng vì sao sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. Nguyên nhân được Sở Nông nghiệp và PTNT đề cập, đó là sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi quy trình khắt khe, ràng buộc bởi nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư ban đầu quá cao. Do đó việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn. Mặt khác, sản phẩm muốn đạt tiêu chuẩn hữu cơ phải đáp ứng quy trình theo Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ, người sản xuất phải chi trả chi phí thực hiện công nhận. Do đó, các doanh nghiệp và nông dân chưa mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Cùng với đó, giá thành sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao thường cao hơn 2-3 lần so với các sản phẩm nông nghiệp thông thường. Trong khi người dân khó phân biệt được sự khác nhau giữa các sản phẩm…
Tìm hướng phát triển mạnh sản xuất hữu cơ
Nhìn nhận được tiềm năng, cũng như những rào cản trên, vậy chúng ta cần làm gì để nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh, bền vững trong thời gian tới? Theo ngành nông nghiệp tỉnh, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của tỉnh để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đổi mới tổ chức sản xuất các vùng sản xuất nguyên liệu chế biến theo chuỗi nông sản giá trị, liên kết giữa các nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Song song, kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao nhằm sản xuất bền vững, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa…
Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đề án nông nghiệp hữu cơ đếnnăm 2030, cần hoàn thiện cơ chế chính sách. Trong đó có chính sách thu hút vốn đầu tư vào ngành sản xuất hữu cơ. Song song, nâng cao năng lực và đào tạo cho nông dân, nhất là hướng dẫn bà conáp dụng các mô hình canh tác hữu cơ kết hợp với công nghệ tiên tiến. Tăng cường kết nối chuỗi giá trị sản phẩm hữu cơ, tạo ra các kênh phân phối ổn định như cửa hàng, siêu thị hữu cơ, các sàn thương mại điện tử chuyên bán sản phẩm hữu cơ. Bên cạnh, khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác và các doanh nghiệp chế biến nông sản hữu cơ hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân.
Một giải pháp không thể không nhắc đến, đó là nâng cao nhận thức cộng đồng và người tiêu dùng. Đó là thực hiện các chương trình khuyến mãi, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ thông qua các kênh bán lẻ, siêu thị, chợ, tạo thói quen tiêu dùng hữu cơ trong các gia đình. Tạo ra các khu vực sản xuất hữu cơ chuyên biệt, nơi có sự kết nối giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, nhằm tăng cường hiệu quả uất và phát triển bền vững.
Theo tìm hiểu, nông nghiệp hữu cơ là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái.