Tháo “rào cản” trong xuất khẩu lao động

11/12/2024, 08:01

BTO - Không ít người Bình Thuận muốn đi xuất khẩu lao động hay còn gọi làm việc ở nước ngoài để “đổi đời”, nhưng không có tiền đóng phí. Đó là một trong những “rào cản” khiến ước mơ ấy của họ khó thành hiện thực.

c64de3cc-e029-4b7a-8f30-a45314d281a6.jpeg


Rào cản

Nuôi ý định đi làm việc ở nước ngoài (LVONN) từ lúc còn độc thân và rồi ý định ấy tưởng đã bị vùi chôn khi lập gia đình hạnh phúc bên chồng và con. Nhưng cuộc sống luôn có những điều bất ngờ, cách đây 1 tháng khi dự một đám giỗ, một người cậu rủ đi LVONN, Nguyễn Thị Thảo, SN 1997 quê ở thị xã La Gi, hiện sống ở nhà chồng tại phường Đức Long (Tp.Phan Thiết) đồng ý ngay. Với suy nghĩ, nếu không đi LVONN thì bao giờ mới có tiền xây nhà, lo cho con cái đang tuổi ăn, tuổi lớn. Trong khi bản thân mình không có công ăn việc làm, mọi thứ nhờ vào nghề đi biển nhiều rủi ro, thu nhập bấp bênh của chồng.

Thảo chia sẻ: “Ban đầu chồng em không cho đi vì e ngại vợ chồng xa cách, con cái không ai chăm sóc. Nhưng qua thuyết phục, cùng với con gái cũng muốn mẹ đi nên anh ấy đồng ý. Em được giới thiện đến Trung tâm Dịch vụ Việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Thuận hỗ trợ việc đi. Tại đây, em trải lòng muốn đi LVONN, được cán bộ của Trung tâm giới thiệu đi làm việc ở Nhật Bản, với tổng chi phí trước khi đi là 130 triệu đồng bao gồm tiền tập huấn, hướng dẫn, hồ sơ, tiền visa và tiền vé máy bay.

Số tiền này chia làm 3 đợt đóng, đợt cuối cùng trước khi lên máy bay qua Nhật làm việc theo quy định. Tuy vậy, vợ chồng Thảo đang do dự không biết có nên đi hay không, vì phí đi quá cao so với mức sống gia đình. Mặc dù gia đình Thảo thuộc hộ cận nghèo được nhà nước hỗ trợ cho 100 triệu đồng. “Tiền ăn hằng ngày còn chưa đủ, em lấy đâu ra 30 triệu đồng đóng thêm vào để đi. Hai bên gia đình nội, ngoại đều khó khăn, bạn bè, người quen không ai có khoản tiền lớn như vậy. Hơn nữa, nếu có thì họ cũng chẳng muốn cho vay vì lo ngại hộ nghèo như chúng em không có khả năng trả nợ. Bởi nhà em và nhà cha mẹ chồng đều là hộ cận nghèo, không có tài sản gì đáng giá để thế chấp ngân hàng, ngoài căn nhà ở chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giá như nhà nước hỗ trợ 100%”, Thảo chia sẻ và mong ước.

Hoàn cảnh của Thảo không phải là duy nhất, mà rất nhiều người có hoàn cảnh tương tự, họ muốn đi nước ngoài làm việc để “đổi đời”. Bởi họ nhìn thấy cái lợi ích của việc đi này, không chỉ cải thiện cuộc sống gia đình mà còn biết đây, biết đó mở mang tầm nhìn ra thế giới rộng lớn.

z6114774157960_b0a701359003d4946346044d16780d75.jpg
Thảo muốn đi làm việc ở nước ngoài để có tiền xây nhà, nhưng đang do dự. 

Theo Phòng Tư vấn việc làm - dạy nghề của Trung tâm Dịch vụ Việc làm, qua tư vấn việc làm, nhiều người muốn đi làm việc ở nước ngoài nhưng không thể đi được vì không có tiền đóng phí. Hiện nay chỉ có 5 nhóm đối tượng gồm: người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng được hỗ trợ 100 triệu đồng, ngoài ra là đi tự túc. Nhưng những đối tượng được hỗ trợ này, không đủ khả năng góp thêm tiền để đi, nếu đăng ký thị trường lao động Nhật Bản, Hàn Quốc... có mức lương cao. Vì qua các quốc gia này làm việc phải đóng phí 130 triệu đồng trở lên. Nhiều người không thuộc 5 nhóm được hỗ trợ, có điều kiện sống trên mức cận nghèo muốn đi cũng không có tiền.

Điều này trong thực tế là đúng, để có tiền đi họ phải đi vay mượn, nhưng vay mượn không phải dễ. Vì cá nhân, tổ chức cho vay nào cũng có tâm lý muốn cho ai đó vay tiền của mình cũng nhìn vào hộ đó có khả năng chi trả hay không. Đó là “rào cản” lớn nhất khiến nhiều người không thể thực hiện ước mơ xuất ngoại làm việc.

Quan tâm hỗ trợ

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm, trước đây người dân thích đi làm việc ở Nga, Đài Loan, nhưng nay chuyển hướng sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện số người làm việc ở Nhật Bản cao vì thị trường này đa dạng ngành nghề. Dù vậy so với các tỉnh, thành khác, Bình Thuận có số người đi nước ngoài làm việc còn thấp. Để ngày càng có nhiều người đi làm việc ở nước ngoài, cải thiện cuộc sống gia đình, cần phải thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về LVONN. Ngoài ra, cần ngành chức năng quan tâm hơn đến khoản hỗ trợ cho không chỉ 5 nhóm đối tượng đã được hỗ trợ mà còn cho các đối tượng có mức sống thấp khác như người có mức sống trên mức cận nghèo.

Trăn trở về vấn đề này, ông Trần Hà Nghĩa Thông - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Thuận thông tin, những năm gần đây nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài tăng cao. Tuy nhiên, không ít người vì không có “tiền” đóng phí đành gác lại ước mơ. Đó là một trong những “rào cản” khiến số người đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với các tỉnh, thành khác trên cả nước. Cần có chính sách đặc thù, hỗ trợ người dân khoản đầu vào, muốn vậy phải có Quỹ Giải quyết việc làm... thông qua quỹ này, người dân mới có điều kiện đi làm việc ở nước ngoài nhiều hơn.

 Theo Báo cáo kết quả giám sát về chính sách, pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi LVONN trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 đến năm 2023 của HĐND tỉnh, từ năm 2020 đến năm 2023, toàn tỉnh có 996 lao động đi LVONN, đạt rất thấp so với bình quân chung của cả nước 426.078 người. Cụ thể, năm 2020 là 211 người; năm 2021 có 71 người; năm 2022 là 263 người và năm 2023 có 451 người. Trong đó, làm việc ở Nhật Bản hơn 700 người, còn lại một số nước khác như Đài Loan, Mỹ... Tập trung các ngành nghề như: điều dưỡng, sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp.

NINH CHINH

Related articles
Nhật Bản là thị trường được nhiều người chọn đi xuất khẩu lao động
BTO-Như vậy, trong 10 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động là 130.640 người, đạt 104% kế hoạch năm 2024. Trong các thị trường lao động nước ngoài, Nhật Bản vẫn được nhiều người lao động lựa chọn, với 62.722 người; tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) 48.533 người, Hàn Quốc 10.877 người, Trung Quốc 1.920 người...

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo “rào cản” trong xuất khẩu lao động