Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024): Lặng thầm “gieo chữ ” ở vùng cao

20/11/2024, 05:10

Dẫu đường xa, điều kiện còn nhiều khó khăn, song các thầy giáo, cô giáo Trường THCS Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc) vẫn bám lớp, bám trường, lặng thầm “gieo chữ” nơi vùng cao, mong các em học sinh nơi đây có một tương lai tươi sáng.

Lặng thầm “gieo chữ”

Trong không khí Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi có dịp về Trường THCS Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc) để hiểu thêm về hành trình “gieo chữ” của những thầy giáo, cô giáo nơi đây. Nằm ngay trung tâm xã, Trường THCS Đa Mi nay được đầu tư xây dựng khang trang, khuôn viên trường lớp xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, các lớp học được trang bị các thiết bị hiện đại như camera, tivi, phòng máy tính... không thua các trường học ở vùng đồng bằng. Có được kết quả đó là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu của tập thể nhà trường cũng như sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, mạnh thường quân đối với giáo dục vùng cao.

edfd4c23-ca2d-42dd-ade8-234cc2b0e71f.jpeg
1 tiết dạy học ứng dụng công nghệ thông tin tại Trường THCS Đa Mi.

Trường THCS Đa Mi có 25 cán bộ, giáo viên, nhân viên, điều đặc biệt có đến 18 thầy cô giáo ở vùng đồng bằng tình nguyện lên đây dạy học. Mặc dù nhà cách trường xa, không còn hưởng chế độ đặc thù của vùng khó khăn nhưng nhiều giáo viên đã không ngại khó, ngại khổ vẫn tình nguyện gắn bó nhiều năm với ngôi trường vùng cao này. Cô Giang Thị Mỹ Hồng – giáo viên ngữ văn, Trường THCS Đa Mi có hơn 15 năm công tác tại vùng sâu, trong đó có 8 năm gắn bó với Trường THCS Đa Mi. Hằng ngày, cô Hồng phải dậy từ lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị cho kịp giờ đến trường. Xuất phát từ TP. Phan Thiết lúc 5 giờ sáng, băng qua nhiều đoạn đường núi ngoằn ngoèo, sau hơn 1 giờ 30 phút di chuyển bằng xe máy cô Hồng mới đến trường. Theo cô Hồng, trước đây, đường sá gồ ghề, dốc đá đi lại rất khó khăn nhưng bây giờ đường đã trải nhựa cũng thuận lợi đi lại. Ngày nào dạy xong tiết sớm thì cô tranh thủ về lại đồng bằng trong ngày, còn muộn hoặc bận tham gia các hoạt động, phong trào của trường thì sẽ ở lại nhà công vụ đến cuối tuần mới về. Cô Hồng chia sẻ: “Dẫu biết dạy học ở vùng cao còn nhiều khó khăn, chế độ như giáo viên ở vùng đồng bằng. Nhưng tôi luôn thầm động viên bản thân phải quyết tâm trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, dạy thật tốt, để học trò của mình có thêm tri thức, có thêm những kỹ năng cơ bản làm hành trang giúp các em có thể thay đổi tương lai của bản thân, góp phần xây dựng quê hương ngày một phát triển hơn”.

Còn thầy Trịnh Tiến Trung - giáo viên dạy môn lịch sử, địa lý cũng hơn 20 năm giảng dạy ở vùng cao thì có hơn 10 năm công tác tại Trường THCS Đa Mi. Dù quãng đường từ nhà đến trường cách hơn 75 km nhưng thầy Trung vẫn miệt mài bám trường, bám lớp để “gieo chữ” nơi vùng cao, mong các em học sinh nơi đây có một tương lai tươi sáng. Thầy Trung chia sẻ: “Học sinh vùng cao nơi đây điều kiện còn khó khăn, đa số các em theo cha mẹ di cư đến đây làm kinh tế. Nhiều em nhà cách xa trường hơn 20 km nhưng tinh thần ham học của em rất cao. Đó chính là nguồn động lực lớn và bồi đắp thêm tình yêu nghề và giúp tôi gắn bó hơn với vùng cao”.

Theo tâm sự của các giáo viên nơi đây, khi tình nguyện đến vùng cao dạy chữ, mỗi giáo viên đều mang theo một trái tim sẵn sàng hy sinh thầm lặng. Rất nhiều người phải sống xa gia đình, xa người thân, tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, ngày nối ngày, kiên trì bám trường, bám lớp để cho giấc mơ con chữ, của học trò vùng cao được trọn vẹn. Không chỉ cô Hồng, thầy Trung mà rất nhiều thầy, cô giáo ở Trường THCS Đa Mi cũng đã và đang tiếp tục gắn bó, cùng nhau gieo chữ, thầm lặng đưa từng chuyến đò tri thức sang sông, nâng bước cho bao thế hệ học trò nên người.

185382e8-2e0f-4bb2-86bf-fc7c39141f0f.jpeg
Học sinh viết thư tri ân thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao

Với nỗ lực và quyết tâm bám lớp, bám trường, các thầy cô giáo nơi đây đã không ngừng sáng tạo, đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục và dạy học, thu hút học sinh đến trường. Thầy Phạm Quốc Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đa Mi cho biết: “Những năm qua, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các mạnh thường quân Trường THCS Đa Mi được đầu tư, xây dựng khang trang hiện đại đáp ứng nhu cầu dạy học. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh nơi đây đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học. Nhất là việc triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo theo yêu cầu đề ra và phù hợp với điều kiện của nhà trường. Cũng như ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin vào giảng dạy. Qua đó, giáo viên đã tiếp cận được với phương pháp dạy học mới, còn học sinh cũng dần bắt nhịp với chương trình. Những kết quả đó, không chỉ tiếp thêm niềm tin phấn đấu học tập cho học sinh mà còn tạo động lực cho đội ngũ giáo viên thêm yêu nghề, cố gắng vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ...”.

Thêm mùa hiến chương là dịp để các thế hệ học trò tri ân đến những “người đưa đò” thầm lặng. Theo chia sẻ của các thầy cô dạy học nơi đây, món quà trong ngày 20/11 không phải là đóa hoa hồng được thắt nơ lấp lánh, cũng chẳng phải những món quà sang trọng, đắt tiền. Điều đặc biệt mà học sinh vùng cao dành tặng thầy cô trong ngày 20/11 có khi là mớ rau rừng, bó hoa dại, buồng chuối, quả bầu, bí... hay là bức thư tri ân thầy cô, điểm 10. Những món quà bình dị, trong trẻo ấy chính là nguồn động viên lớn lao giúp các giáo viên gắn bó hơn với sự nghiệp trồng người ở vùng cao.

THANH THUỶ

Related articles
Bình Thuận có 3 nhà giáo, quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu toàn quốc năm 2024
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành quyết định về việc tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho 251 nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024): Lặng thầm “gieo chữ ” ở vùng cao