Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Chăm

19/11/2024, 05:45

Tại Bình Thuận, ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) đang được tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh là tiếng dân tộc Chăm. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học tiếng Chăm, góp phần phát triển, bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số (DTTS), gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.

Dạy học tiếng Chăm cấp tiểu học

Trường tiểu học Phan Hiệp (huyện Bắc Bình) đã duy trì việc dạy tiếng dân tộc Chăm cho học sinh tại địa phương từ năm 1995 đến nay. Hiện trường có 19 lớp với 529/529 học sinh tham gia học tiếng Chăm, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, có 29 em dân tộc Kinh hay có cha hoặc mẹ là dân tộc Chăm vẫn đăng ký tham gia lớp học tiếng Chăm nhưng không nhận xét và đánh giá. Ông Phạm Văn Hạ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện cơ sở vật chất, trường lớp đảm bảo, đáp ứng yêu cầu cho việc giảng dạy học tiếng Chăm tại đơn vị. Về chất lượng học môn tiếng Chăm thực hiện 2 tiết/tuần, đáp ứng tương đối nhu cầu của đồng bào người dân tộc Chăm tại địa phương”.

b2c878fb-dba0-4d26-923e-ae5eeed880b2.jpeg
c52c5586-4981-4670-8ee2-00dca3065549.jpeg
Trường tiểu học Phan Hiệp dạy học tiếng Chăm.

Còn tại Trường TH Phan Thanh 1, học sinh dân tộc Chăm chiếm tỷ lệ 97%. Năm học 2024 – 2025, trường có 10 lớp/269 học sinh; 100% học sinh học 2 buổi/ ngày. Trường tổ chức dạy học môn tiếng Chăm từ năm học 2013 – 2014 đến nay. Hiện cơ sở vật chất trường lớp đảm bảo phục vụ dạy học tiếng Chăm 9 buổi/tuần. Sách giáo khoa phục vụ cho việc dạy và học tiếng Chăm được cung cấp hàng năm, đáp ứng yêu cầu đối với việc giảng dạy tiếng Chăm tại trường.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 4 huyện (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Tân) có tổ chức dạy học tiếng DTTS là tiếng Chăm. Cụ thể, có 12 trường tiểu học, 149 lớp với 3.753 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 được dạy học tiếng Chăm. Hiện tại, cấp THCS chưa tổ chức dạy học tiếng Chăm trong nhà trường.

b5dd4e22-b13b-40b0-a3e1-ba06900dcd0d.jpeg
Một tiết dạy học tiếng Chăm cấp tiểu học.

Nỗ lực vượt khó

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, các cơ sở giáo dục tiểu học đã chủ động, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch dạy tiếng Chăm phù hợp với điều kiện thực tiễn nhà trường, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh DTTS. Tuy nhiên việc dạy học tiếng Chăm còn gặp nhiều khó khăn. Đó là không còn biên chế giáo viên riêng để dạy tiếng Chăm nên gặp khó khăn trong bố trí giáo viên dạy đủ 4 tiết/tuần, làm ảnh hưởng đến thực hiện chế độ của giáo viên theo quy định. Giáo viên dạy tiếng Chăm chưa được đào tạo chuyên ngành sư phạm về tiếng Chăm, chỉ được bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn ngắn hạn. Mặt khác, thiết bị dạy học tối thiểu, sách giáo khoa tiếng Chăm lớp 1, 2, 3, 4 theo chương trình mới chưa phát hành, trang bị, giáo viên gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nội dung, chương trình từ 4 tiết/tuần xuống 2 tiết/tuần. Nguồn kinh phí ưu tiên cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng DTTS tại địa phương còn gặp khó khăn.

Để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Chăm, ngành giáo dục tỉnh tiếp tục phối hợp với cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc đưa tiếng dân tộc vào dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông, góp phần phát triển, gìn giữ, bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số. Cùng với đó, tiếp tục tổ chức dạy học tiếng Chăm từ lớp 1 đến lớp 5 theo quy định; xây dựng lộ trình triển khai thực hiện dạy học tiếng Chăm từ lớp 6 đến lớp 9. Trong đó, lớp 6 (năm học 2026 - 2027), lớp 7 (năm học 2027 - 2028), lớp 8 (năm học 2028 - 2029), lớp 9 (năm học 2029 - 2030). Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan triển khai có hiệu quả kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Trong đó, chú trọng việc bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng DTTS theo quy định. Năm 2025, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan mở 1 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về dạy học tiếng dân tộc Chăm cấp tiểu học. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với sở, ngành và địa phương trong việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếng dân tộc; đăng ký nhu cầu sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng Chăm từ lớp 1 đến lớp 9. Dự kiến nhu cầu mua sắm những thiết bị, đồ dùng dạy học tiếng Chăm bảo đảm điều kiện, nâng cao chất lượng môn học tiếng Chăm như: Bộ mẫu chữ cái tiếng Chăm; Bộ dấu âm; Bộ chữ dạy tập viết tiếng Chăm; Tranh, ảnh dạy học vần lớp 1, 2; Tranh dạy tập đọc lớp 3, 4, 5; Tranh kể chuyện lớp 3, 4, 5; Bộ chữ thực hành, biểu diễn tiếng Chăm; Video hướng dẫn thực hiện tập viết chữ Chăm… và các thiết bị, đồ dùng khác theo quy định.

Ngành giáo dục Bình Thuận kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, chỉ đạo các cơ sở đào tạo mở mã ngành sư phạm đào tạo giáo viên dạy tiếng DTTS theo hướng đào tạo liên môn, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương tổ chức triển khai thực hiện việc dạy và học tiếng DTTS theo quy định. Cùng với đó, tạo cơ chế khuyến khích sinh viên sư phạm người đồng bào DTTS học thêm văn bằng 2, hoặc chứng chỉ trong quá trình học tập để có thêm nguồn giáo viên bổ sung.

THANH THUỶ

Related articles
Giáo dục văn hóa giao thông cho học sinh
Bước vào năm học mới, vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong ngành giáo dục, nhất là đối với học sinh lại được các cơ quan chức năng, các cơ sở giáo dục quan tâm triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần giảm thiểu vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Chăm