Có cuộc “so găng” kỳ cục ở Đức Linh. Bài 1

30/10/2024, 05:38

Một bên là sự phát triển của công nghiệp, ít nhất trước mắt là giải quyết hàng nghìn việc làm, góp thu ngân sách trực tiếp cho tỉnh trong giai đoạn quyết định tự chủ ngân sách và kéo theo nhiều ngành nghề khác liên quan.

 Một bên là 1-2 trại chăn nuôi theo kiểu đã quen ở nơi “khỉ ho, cò gáy” nên gây ô nhiễm môi trường xung quanh nghiêm trọng, nhưng lúc nào cũng lo con nuôi sẽ bị ảnh hưởng bởi đông người mà lại vạch ra lộ trình di dời dài đến 4-5 năm. Bỗng xuất hiện cuộc đấu kỳ cục và nó đang diễn ra tại xã Đông Hà, Đức Linh.

Bài 1: Lòng dân hướng về sự phát triển chung

Đồng loạt hiến đất

Bây giờ, khi người dân thấy nhà máy điện, nhà máy nước phục vụ cho các Cụm công nghiệp Nam Hà, Nam Hà 2,   và các khu dân cư liền kề đã xong; công nhân làm việc cho Nhà máy giày Nam Hà Việt Nam vẫn đều đặn mỗi ngày và nhận lương của khu vực TP.HCM thì khí thế phát triển công nghiệp nơi đây tiếp tục lên cao. Vì thế, giá đất cũng bắt đầu tăng lên lại, sau thời gian chững. Hiện 1m ngang ở khu vực thôn Nam Hà, xã Đông Hà có giá từ 250 - 300 triệu đồng, tùy vị trí và tùy vào chiều dài của thửa đất. Thế nhưng, có một điều rất lạ là khi UBND xã Đông Hà vận động người dân có đất và công trình nằm trong hành lang an toàn giao thông trên đường Z30A, tuyến đường dẫn vào các cụm công nghiệp, khu dân cư kề bên thì phần lớn các hộ gia đình đều đồng lòng hiến đất. Hơn thế, còn đồng lòng tự tháo dỡ các công trình xây dựng, vật kiến trúc, cây trồng của mình để góp sức đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Nâng cấp, mở rộng đường Z30A theo chủ trương của Nghị quyết số 04/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận.

duong-giao-thong-trong-khu-dan-cu-nam-ha-xa-dong-ha-duc-linh-anh-n.-lan-3-(1).jpg
Đường Z30A, xã Đông Hà, Đức Linh
duong-dong-ha-gia-huynh.jpg
Tuyến đường Đông Hà – Gia Huynh
nha-may-dien-dong-ha-duc-linh-anh-n.-lan-.jpg
Nhà máy điện Đông Hà, Đức Linh. Ảnh: N.Lân

Dù chiều dài tuyến đường phải nâng cấp khoảng 8km, mở rộng thêm mỗi bên 3m với kế hoạch mở rộng nền đường là 18m, có sự đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước và an toàn giao thông, bảo đảm cho nhu cầu lưu thông vào lúc cao điểm của năm 2025 - 2027 có 35.000 công nhân tan ca nên diện tích đất cần thu hồi hai bên đường Z30A lên đến 12.800 m² đất, trong đó có cả nhà cửa, nhà tạm, mái che, vật kiến trúc…

Theo báo cáo mới nhất vào ngày 14/10/2024 của UBND xã Đông Hà, trên đoạn tuyến đường Z30A cần nâng cấp, mở rộng đi qua 346 thửa đất của 346 hộ dân. Đến nay, có 335 hộ đã hoàn thiện hồ sơ, không yêu cầu hỗ trợ. Còn lại, 8 hộ đã hoàn thiện hồ sơ, có yêu cầu hỗ trợ, đền bù, trong đó 4 hộ đề nghị hỗ trợ phần đất ở trong phạm vi giải tỏa và 4 hộ đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng lại hàng rào. 3 hộ khác không đồng ý hiến đất.

Lãnh đạo UBND xã Đông Hà cho biết, đến ngày 28/10/2024, con số hộ dân đồng ý hiến đất, tự tháo dỡ công trình không đòi hỏi hỗ trợ đã lên 343 hộ dân. Chỉ còn 3 hộ không đồng ý hiến đất ngay từ đầu, đến giờ vẫn không thay đổi ý định, vì cả 3 đều có diện tích đất sẽ mất trên 100m² - gần 170 m² cùng hàng rào, mái vòm, mái hiên, ban công…Với 3 trường hợp này, lãnh đạo huyện Đức Linh tính sẽ gặp vận động tiếp và vận dụng các chính sách.

duong-giao-thong-o-dong-ha-duc-linh-anh-n.-lan-1.jpg
Đường giao thông nối các cụm công nghiệp với đường ĐT 766

Tinh thần hiến đất để mở rộng đường Z30A trên khiến người ta nhớ khoảng 2-3 năm trước, tuyến đường Đông Hà – Gia Huynh được mở ra, nối đường ĐT 766 vào các cụm công nghiệp trên với huyện Tánh Linh, cũng nằm song song với tuyến Z30A này. Lúc ấy, hơn 300 hộ dân cũng hiến đất rầm rộ, dù lúc ấy giá đất 1m ngang ở đây lên đến 500 - 600 triệu đồng. Duy nhất 1 hộ có 10m ngang đất nằm trên đường ĐT 766 là phải bồi thường. Dù vậy, việc đa số người dân đồng lòng trong hiến đất, tháo gỡ công trình ở đây trong bối cảnh phát triển đã trở thành hiện tượng. Không chỉ cho thấy chính quyền xã Đông Hà nói riêng, huyện Đức Linh nói chung đã dân vận rất khéo mà qua đó cũng thấy lòng dân hướng về phát triển công nghiệp, khi trước mắt chính sự phát triển này đang mở ra nhiều cơ hội mới cho họ.

z5976731589397_d5c81cded8bee874b7bab190475b43a4.jpg
Xây dựng hệ thống thoát nước trong khu dân cư 

Tương hỗ bất ngờ

Giữa tháng 10/2024, Chi cục Thống kê khu vực Đức Linh – Tánh Linh đã thống nhất thu nhập bình quân người/năm của xã năm 2024 là 72,08 triệu đồng. Như vậy, xã Đông Hà đã đạt chuẩn tiêu chí 10 về thu nhập bình quân đầu người của xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Lãnh đạo UBND xã Đông Hà phân tích, năm nay thu nhập của người dân trong xã ngoài nông sản như khoai môn, sầu riêng được mùa, được giá, còn có thêm nguồn thu từ lương của người lao động trong xã làm việc tại Nhà máy giày Nam Hà Việt Nam. Bên cạnh, còn tính cả vốn đầu tư vào địa bàn xã, mà cụ thể là các nhà đầu tư thứ cấp vào xây dựng ở các cụm công nghiệp Nam Hà, Đông Hà trong năm. Cũng nhờ từ nguồn này, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã là 65,73 triệu đồng và năm nay tăng thêm từ 10% trở lên, đúng quy định của xã nông thôn mới kiểu mẫu.

untitled_1.3.1.jpg
Vườn sầu riêng ở Đông Hà

Thời điểm này, chính quyền xã Đông Hà đã gửi hồ sơ để huyện trình các ngành chức năng thẩm định về kết quả thực hiện bộ tiêu chí của thôn thông minh, tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực nổi trội. Thế nên, quang cảnh chung đã nhộn nhịp, khởi sắc của một vùng quê lên phố thị. Tại thôn thông minh của xã, thôn 2A, giờ đã có hạ tầng internet cáp quang, thông tin di động 3G/4G; có lắp đặt wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn; 78% hộ dân trong thôn sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa; 100% hộ dân trong thôn thanh toán tiền điện qua chuyển khoản ngân hàng…Trong khi đó, lĩnh vực nổi trội, Đông Hà chọn sản xuất nên nhờ thế phát huy thế mạnh vốn có. Bởi đây là vùng chủ lực của các loại cây như điều, tiêu, cao su, cây ăn trái như bưởi, sầu riêng, bơ và các loại cây rau, củ, quả…Thế nên, 2 hợp tác xã trên địa bàn gồm: HTX dịch vụ tổng hợp Sen Núi và HTX Bưởi da xanh và các cơ sở sản xuất kinh doanh khác trên địa bàn có cơ hội lựa chọn và khai thác sản phẩm đặc trưng của vùng đất mà thị trường cần. Từ đó, tập trung ứng dụng công nghệ cao, canh tác có chất lượng, đầu tư sản phẩm đạt chứng nhận OCoP như hạt điều rang muối, kẹo hạt điều tổng hợp, bưởi da xanh, nấm…Và điều đáng chú ý, những sản phẩm này đã được bán qua kênh thương mại điện tử.

vuon-buoi-da-xanh-o-dong-ha-duc-linh-anh-n.-lan-5-.jpg
Vườn bưởi da xanh ở Đông Hà
trong-nam-moi-den-o-xa-dong-ha-duc-linh-anh-n.-lan-.jpg
Trồng nấm mối đen ở Đông Hà
trong-mang-tay-o-xa-dong-ha-duc-linh-anh-n.-lan-.jpg
Vườn măng tây ở Đông Hà
lan_2660.jpg
Một số sản phẩm của HTX dịch vụ Sen Núi

Những hoạt động trên chứng minh rõ thêm vùng quê này đã hiện đại hóa. Từ đây cũng tác động vào hành vi, nhận thức về việc xây dựng một môi trường sống tốt đẹp. Thế nên, việc thực hiện tiêu chí liên quan đến chất lượng môi trường cũng đang được tiếp tục, dù xã đã đạt chuẩn từ năm ngoái, khi xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đó là xây dựng và nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn, gần 400 hộ dân được trang bị thùng rác đạt chuẩn để công ty môi trường ở huyện đến thu gom, chở đến nhà máy xử lý rác. Ngoài ra, qua kênh Ngân hàng Chính sách, hộ dân được vay vốn để xây dựng nhà vệ sinh. Còn xã thì triển khai xây dựng các tuyến kênh thoát nước mưa, nước sinh hoạt ở các trục chính của 4 thôn…

Sự nỗ lực trên đã góp phần giúp quang cảnh chung của Đông Hà sạch hơn, đẹp hơn ở các thôn. Nhưng đến thôn Nam Hà thì lại vướng mùi hôi thối từ các trại chăn nuôi, tưởng chừng điều đó chỉ còn ở vùng khỉ ho, cò gáy. Nhưng không, mùi hôi, nhất là ở trại heo Vissan vẫn bao quanh các cụm công nghiệp và các khu dân cư Nam Hà, dù tỉnh, huyện có giám sát, kiểm tra cả năm nay, khiến Đông Hà đang xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu bỗng như có “gót chân asin”…

Lãnh đạo UBND xã Đông Hà cho biết, xã luôn tranh thủ tác động về mặt quản lý nhà nước để cơ quan chức năng huyện, tỉnh tăng cường giám sát, thanh kiểm tra nhằm xử lý mùi hôi phát tán ra môi trường từ các trại chăn nuôi này. Qua cơ quan chuyên môn biết việc xử lý mùi hôi là được nhưng chi phí quá cao nên các trại có buông thả, nhất là trại heo Vissan. Xã chỉ hy vọng, trại heo Vissan được di dời càng sớm càng tốt.

Bài 2: Sức hút từ sự bài bản, quan tâm

Bài 3: Có nên mất 4-5 năm để di dời trại heo Vissan?

BÍCH NGHỊ - ẢNH N. LÂN

Related articles
Hướng đi bền vững cho các hợp tác xã ở Tánh Linh
Tánh Linh, một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn của tỉnh. Địa phương đang từng bước quy hoạch vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các hợp tác xã ở Tánh Linh đã liên kết với các công ty sản xuất giống lúa chất lượng cao.

(2) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có cuộc “so găng” kỳ cục ở Đức Linh. Bài 1