Thống kê từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 9, trên cả 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây qua địa bàn Bình Thuận đã xảy ra 12 vụ TNGT làm chết 7 người, bị thương 5 người. Trong đó chỉ riêng cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã xảy ra đến 10 vụ, làm 6 người chết, bị thương 5 người (chưa kể vụ tai nạn giữa 2 xe khách trên). Số liệu này cho thấy sự lo lắng, hoang mang của người dân là có cơ sở, đòi hỏi cơ quan chức năng cần có lời giải chuẩn xác, từ đó rút ra nguyên nhân, giải pháp để có cảnh báo hữu hiệu, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro TNGT cho người dân.
Ai cũng biết, khác với đường bộ, một khi TNGT xảy ra trên cao tốc thường để lại hậu quả khôn lường, bởi tính chất vận tốc lưu thông và tính sát thương sau va chạm mà vụ tai nạn giữa 2 xe khách rạng sáng 19/9 là điển hình.
Vậy câu hỏi đặt ra, tại sao đoạn cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây lại ít xảy ra tai nạn, va chạm hơn so với cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết? Toàn tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài 100,8km đi qua tỉnh Bình Thuận và được đưa vào vận hành, khai thác tuyến chính từ ngày 19/5/2023. Ai cũng biết, đây là tuyến đường trọng điểm, có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển du lịch, kinh tế, xã hội của Bình Thuận và cho cả khu vực nên thu hút khá đông phương tiện.
Để trả lời cho câu hỏi vì sao ở trên cũng không khó, bởi nó đến từ yếu tố khách quan và chủ quan của người điều khiển phương tiện và từ chính hạ tầng của đường cao tốc này. Nếu so với cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, hạ tầng cao tốc này có nhiều hạn chế hơn, bởi hiện mặt đường có quy mô 2 làn xe ở mỗi chiều, không có làn đường khẩn cấp suốt tuyến (chỉ một số vị trí có dải dừng xe khẩn cấp) như cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.
Trước đây khi đưa vào vận hành, cao tốc này chỉ cho phép vận tốc đối đa 80km/h. Sau đó dư luận phàn nàn cho rằng vận tốc như thế là chậm, không phù hợp với cao tốc và kiến nghị tăng vận tốc lên. Kể từ ngày 6/2/2024, tốc độ tối đa trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết được nâng từ 80 km/h lên 90 km/h.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các vụ tai nạn xảy ra từ đầu năm đến nay trên cao tốc này chủ yếu rơi vào thời điểm đêm khuya. Đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh tại cuộc họp ngày 13/9 cũng cho biết, nguyên nhân TNGT trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết xảy ra thường chủ yếu do không giữ khoảng cách an toàn và thiếu chú ý quan sát.
Từ những yếu tố trên có thể thấy nguyên nhân của các vụ tai nạn ngoài yếu tố khách quan đường hẹp, thì yếu tố chính cần phải nhấn mạnh, đó là ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện.
Có thể nói trong điều kiện đất nước đang phát triển, Chính phủ đã rất nỗ lực cân đối nguồn ngân sách để phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có mục tiêu thông tuyến xuyên suốt cao tốc Bắc – Nam phía đông, để phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình làm các tuyến cao tốc, một số đoạn còn hạn chế về mặt hạ tầng, chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn cho cao tốc đúng nghĩa. Tuy nhiên sự nỗ lực này cũng rất cần dư luận nhân dân ghi nhận, cổ vũ, động viên...
Do vậy, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết nói riêng, cao tốc nói chung, các nhà xe và người điều khiển phương tiện cần hết sức lưu tâm đến yếu tố tai nạn, không chủ quan, phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển xe trong điều kiện không tỉnh táo…để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người.
Bên cạnh đó, cơ quan và lực lượng chức năng cần sớm khắc phục những hạn chế trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt các hành vi vi phạm, trong đó có xử phạt nguội qua hệ thống camera giám sát để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.