Trong kỷ nguyên số, tuổi trẻ Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng đang không ngừng học hỏi, nghiên cứu và tham gia tích cực vào quá trình CĐS, trở thành chủ thể tích cực trong công cuộc CĐS, giúp đất nước và địa phương ngày càng phát triển trong thời đại số hóa; tuổi trẻ Bình Thuận đã chủ động mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng CĐS trong các hoạt động, bước đầu thu được nhiều kết quả tích cực. Song thách thức lớn nhất trong CĐS đối với Việt Nam và tỉnh Bình Thuận là kỹ năng của người dân và văn hóa sống trong môi trường số. Tuổi trẻ có điều kiện tiếp cận và ứng dụng công nghệ nhanh chóng hơn các thế hệ đi trước, vừa trở thành công dân số vừa là người tiêu dùng số và sáng tạo số.
Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắn gửi: “… Thanh niên phải tiên phong trong học tập, rèn luyện để có trình độ chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn giỏi, là những người đi đầu, tích cực nhất trong hội nhập sâu rộng với thế giới. Thanh niên phải tiên phong trong lao động, sản xuất, sáng tạo, thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Trong chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với thanh niên nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến vai trò của thanh niên trong CĐS qua câu hỏi: “Đâu là vấn đề cốt lõi để thanh niên thể hiện vai trò xung kích trong công cuộc CĐS của đất nước”.
Để trả lời câu hỏi trên, có hàng loạt chương trình hành động thiết thực của thanh niên cả nước trong CĐS thời gian qua, như hoạt động Tuổi trẻ tiên phong CĐS; Thanh niên xung kích trong CĐS… Tại tỉnh Bình Thuận, ngày 18/3/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Nhằm phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tuổi trẻ Bình Thuận đã có mặt gần như khắp các địa bàn trong tỉnh, chung tay triển khai CĐS ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. CĐS được tuổi trẻ Bình Thuận coi là chìa khóa để góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Và thế hệ ĐVTN Bình Thuận được kỳ vọng là lực lượng đi đầu trong CĐS, nhằm phát huy sức trẻ, sự năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học - công nghệ. Tuổi trẻ Bình Thuận đã và đang khẳng định là lực lượng xung kích, tích cực trong việc đẩy mạnh CĐS. Cụ thể là hỗ trợ việc cải cách hành chính, số hóa dữ liệu; hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt các ứng dụng, làm quen với dịch vụ công trực tuyến. Đó chính là hình ảnh đẹp của những bạn trẻ đến khắp địa điểm tham quan, du lịch, các chợ, tuyến đường, quán ăn, tiệm tạp hóa, cửa hàng, quán cà phê… bằng cách hướng dẫn cài ứng dụng, quét mã QR nhằm hạn chế dùng tiền mặt, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến… Đội ngũ này cũng mong muốn nhận được sự ghi nhận, hỗ trợ và tạo điều kiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để có cơ hội đề xuất các ý tưởng sáng tạo về CĐS, được đầu tư nâng cao năng lực số và văn hóa số để lực lượng này đủ sức làm chủ kỹ thuật. Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh công nghệ số, tuổi trẻ trong tỉnh đã, đang tích cực triển khai số hóa việc học tập, quán triệt nghị quyết, tài liệu, văn bản các cuộc họp, tọa đàm trên nền tảng số, chuyển văn bản giấy thành mã Code-QR… thu hút hàng ngàn lượt ĐVTN tham gia thông qua app ứng dụng, hướng dẫn người dân thông qua nhiều chương trình thiết thực của tuổi trẻ tỉnh nhà. Với sự sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén của tuổi trẻ và tinh thần xung kích, tình nguyện, trí tuệ của lực lượng này trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khẳng định vai trò, vị trí của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Để góp phần đưa công tác CĐS ở Bình Thuận ngày càng tốt hơn, tuổi trẻ tỉnh nhà cần tập trung phát huy những thế mạnh để tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về CĐS cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao năng lực số cho người dân, giúp dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số; các cấp bộ Đoàn nghiên cứu thành lập các tổ CĐS cộng đồng, trong đó ĐVTN là lực lượng nòng cốt trong việc tiên phong ứng dụng CNTT; ra quân tuyên truyền và hỗ trợ hướng dẫn người dân các địa phương trong tỉnh tiếp cận với CĐS. Từng bước giúp người dân có thể dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng tốc “xử lý” công việc, đẩy mạnh sử dụng và lưu trữ văn bản số, giảm chi phí hoạt động, từng bước xây dựng môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian, nhất là áp dụng cải cách hành chính… ĐVTN tỉnh nhà cần phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo, góp phần xây dựng Bình Thuận đưa và lan tỏa Nghị quyết số 10 trong cuộc sống.
Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, ĐVTN trong tỉnh cần chủ động tham mưu, góp ý với cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về các giải pháp giúp thúc đẩy công tác CĐS trong mọi lĩnh vực hoạt động. Đồng thời, với lợi thế của tuổi trẻ, có khả năng tiếp cận nhanh các xu hướng mới, hiện đại thông qua các thiết bị công nghệ và môi trường mạng, ĐVTN cần tích cực tuyên truyền, vận động áp dụng và lan tỏa CNTT, CĐS trong công tác và cuộc sống. Đây là những cơ hội mạnh mẽ để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân tạo ra “đột phá” trên các lĩnh vực nhờ vào chuyển đổi số và in dấu ấn của tuổi trẻ tỉnh nhà.