Chuyển đổi số ở Hàm Tân

31/07/2024, 05:09

Chuyển đổi số cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được huyện Hàm Tân tập trung triển khai thực hiện, qua đó góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng Internet băng rộng di động 3G, 4G và cố định tại Hàm Tân hiện đã phủ đến 10/10 xã - thị trấn, ngoài ra còn có mạng lưới điểm phục vụ với gần 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính, viễn thông. Thực tế cho thấy, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang cũng bao phủ tới 90% hộ gia đình, trường học, bệnh viện và dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 70%, trong khi người dân từ 18 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử đạt hơn 68%... Đối với các phòng, ban thuộc UBND huyện đều có mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao và 100% cán bộ từ cấp huyện đến cấp xã đều được trang bị máy tính phục vụ hoạt động chuyên môn. Nhờ đó tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng dùng chung của tỉnh, nền tảng quốc gia đã được triển khai và đưa vào sử dụng. Bao gồm: Phần mềm quản lý văn bản, phần mềm quản lý cán bộ công chức, phần mềm khám - chữa bệnh, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quản lý hộ tịch, phần mềm một cửa, dịch vụ công…

z4826318044473_5b82a2b76ab2207147f207b14f4344ca-1-.jpg
Hướng dẫn người dân cài đặt định danh điện tử tại Hàm Tân (Ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và Chuyển đổi số huyện Hàm Tân còn tham mưu triển khai thí điểm chính quyền số tại một số địa bàn cơ sở (xã Tân Đức, thị trấn Tân Minh), hay như thí điểm mô hình “café công dân số”. Thông qua đó tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như thực hiện các thủ tục hành chính một phần, toàn trình trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, thanh toán hóa đơn điện tử và các tiện ích khác trên môi trường số. Đồng thời tăng cường truyền thông, giới thiệu ứng dụng trên nền tảng số để người dân tương tác với chính quyền các cấp trên thiết bị di động thông minh nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số xếp hạng cấp tỉnh (như PAPI, PAR Index, SIPAS…). Thực hiện chuyển đổi số, huyện Hàm Tân cũng đang tiến hành đăng ký sản phẩm OCOP, sản phẩm đặt trưng của địa phương để hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho cơ sở sản xuất - kinh doanh ổn định đầu ra và mở rộng kênh tiêu thụ...

Đặc biệt về nhân lực số, hiện các cơ quan và địa bàn cơ sở nơi đây đều bố trí lãnh đạo, chuyên viên phụ trách tham mưu công tác chuyển đổi số tại đơn vị mình, tiếp tục duy trì 53/53 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 160 thành viên tại thôn - khu phố. Cùng với đó quan tâm phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực làm sạch dữ liệu đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống để kết nối, đồng bộ, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Mặt khác còn hoàn thiện việc sử dụng các phần mềm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của UBND huyện, tập huấn đưa vào sử dụng phần mềm BinhThuan egov.vn và phần mềm Công dân số Bình Thuận (phản ánh hiện trường)…

Theo Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và Chuyển đổi số huyện Hàm Tân thì kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Và nhờ đó cũng thúc đẩy cải cách hành chính, minh bạch hóa thông tin, phục vụ chỉ đạo điều hành cũng như phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn… Tới đây công tác này sẽ được địa phương tiếp tục chú trọng triển khai và bố trí nguồn kinh phí đầu tư, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị số gắn với khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Tại Hàm Tân, đến nay việc triển khai cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc cho máy trạm, máy chủ của các cơ quan, đơn vị, địa phương cơ bản đã thực hiện hoàn thành (371/371 máy được cài đặt). Ngoài ra, 11/11 hệ thống thông tin của huyện cũng thực hiện khai báo trên nền tảng quản lý cấp độ do Cục An ninh mạng triển khai (gồm 1 hệ thống cấp độ 2 và 10 hệ thống cấp độ 1)…

Đ.QUỐC

Related articles
Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Bình Thuận với dân số trên 1,2 triệu người, trong đó có 34 dân tộc thiểu số với hơn 105.000 người, chiếm khoảng 8% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận cư trú đan xen và rộng khắp toàn tỉnh.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số ở Hàm Tân