Trẻ em lên tiếng
Tại sao trẻ em gái phải nghỉ học, ở nhà lên nương, làm rẫy để nhường phần đó cho anh, em trai đến trường? Tại sao trẻ em không được quyền lựa chọn học tập các môn năng khiếu theo sở thích, đam mê của mình? Trẻ em có quyền được giữ bí mật, lựa chọn không gian riêng tư?... Vô vàn câu hỏi “tại sao” được đặt ra trong các tình huống và được các em chuyển hóa thành câu chuyện, giải thích theo cách hiểu gần gũi của trẻ em đã thực sự thuyết phục đông đảo người theo dõi.
Những cô cậu học trò vùng dân tộc thiểu số (DTTS) vốn ngại ngùng trước đám đông, nhưng qua quá trình sinh hoạt tại Câu lạc bộ (CLB) Thủ lĩnh của sự thay đổi tại các trường tiểu học và trung học cơ sở Phan Tiến (Bắc Bình), tiểu học và trung học cơ sở La Dạ (Hàm Thuận Bắc), trung học cơ sở Suối Kiết, tiểu học và trung học cơ sở La Ngâu, trung học cơ sở Lạc Tánh (Tánh Linh), đã thực sự thay đổi nhận thức, thể hiện vai trò, trách nhiệm của bản thân về công tác tuyên truyền bình đẳng giới trong trường học.
Đồng hành cùng các em trong các hoạt động, cô Vy Nữ Huỳnh Doanh – Trường tiểu học và trung học cơ sở La Ngâu cho biết: Kiến thức về bình đẳng giới hay những vấn đề cấp thiết như bạo lực gia đình, bạo lực học đường, quyền trẻ em, tảo hôn... nếu chỉ nói suông, tuyên truyền bằng báo cáo, hội họp, học sinh và người dân sẽ rất khó hiểu, khó nhớ. Do đó, việc tổ chức các hoạt động dưới hình thức sinh hoạt đội nhóm để tổ chức trò chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, tiểu phẩm lấy chất liệu từ cuộc sống, phù hợp với lứa tuổi là cách tuyên truyền hiệu quả nhất.
Các hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và sự tham gia của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái trong truyền thông về bình đẳng giới, xây dựng môi trường an toàn để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện; phát hiện những vấn đề đặt ra trong gia đình… Trên cơ sở đó, giúp Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và các ngành liên quan thiết kế nội dung, hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động phù hợp với từng đối tượng và thực tiễn.
Những hạt nhân thay đổi nhận thức về bình đẳng giới
CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi là một trong 4 mô hình cơ bản của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. CLB được thành lập trong trường học thuộc các xã đặc biệt khó khăn, nhằm trang bị cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em.
Qua hoạt động sinh hoạt, tập huấn, CLB thực sự là sân chơi bổ ích, giúp các em hình thành nhận thức đúng đắn về các vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, sức khỏe sinh sản, phân biệt đối xử về giới… ngay từ trong gia đình và nhà trường. Em Quy Hoàng Minh Thảo – Trường tiểu học và trung học cơ sở Phan Tiến chia sẻ: “Nhờ tham gia CLB, em dần dần tự tin hơn, thay đổi cách nghĩ, cách học, trở thành tuyên truyền viên kêu gọi bạn bè, gia đình, người thân cùng thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trong trường học”.
Nhìn thấy sự sáng tạo, mạnh dạn của học sinh trong cả 3 phần thi năng khiếu, rung chuông vàng, xử lý tình huống thông qua tiểu phẩm trong lần đầu tổ chức, bà Lê Thị Hải Yến – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đánh giá: Các em đều trong độ tuổi 11 – 15 nhưng rất có tinh thần trách nhiệm học hỏi, nhiệt huyết, xuất sắc, có khả năng làm nòng cốt trong hoạt động tuyên truyền tại trường và địa phương. Nhiều em thể hiện được kỹ năng riêng, tính chuyên nghiệp cao. Mong rằng CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” như tên gọi sẽ có tác dụng làm thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ người DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Các thành viên sẽ là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu để cùng nhau vươn lên phát triển.