Đằng sau lời nói cuối cùng của một bị cáo

14/08/2024, 05:04

“Không! Bị cáo không còn gì để nói”, Nguyễn Ca C đáp lời thẩm phán gọn lỏn khi được cho phép nói lời sau cùng, khiến người tham gia phiên tòa sững người trong tiếng khóc của mẹ bị cáo.

img_9844.jpg
Luật sư bào chữa cho C (áo đen đứng bên trái hàng ghế bị cáo).

Giảm án

Nguyễn Ca C, sinh năm 2004, lớn tuổi nhất trong số 20 bị cáo tại phiên xét xử vụ “cố ý gây thương tích” vừa diễn ra ở huyện Tuy Phong. Theo cáo trạng, C không có mâu thuẫn gì với Kh (bị hại) nhưng lại là trong số bị cáo đánh Kh dã man nhất. Điều này báo trước cho C thấy mình sẽ bị lãnh mức án cao vì cái tội dại dột thể hiện mình là “anh đại”, cứu giúp người không đúng cách. C chỉ nghe những người đáng tuổi em mình, lôi kéo nhau đi đánh nhau là đi, để rồi đánh nhầm vào Kh, người không có thù oán gì với ai trong nhóm, gây ra thương tích nặng.

Sự vụ xảy ra giữa năm 2023 và đến tháng 7/2024 thì vụ án được đưa ra xét xử. Trong khoảng thời gian này, C cũng như các bị cáo khác bị gia đình, bạn bè, thầy cô… lên án chê trách. Ngày ra tòa, phần lớn các bị cáo tỏ ra lo sợ, nhưng C khá bình tĩnh. Chính vì vậy khi Hội đồng xét xử gọi hỏi các bị cáo có lời sau cùng, hầu hết bày tỏ ăn năn hối lỗi xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt. Riêng C không xin mà trả lời gọn lỏn: “Bị cáo không có gì để nói!”, khiến Hội đồng xét xử có muốn giảm hình phạt cho bị cáo cũng khó. “Bị cáo có nghe mẹ bị cáo khóc không? thẩm phán Trần Thị Thu Huyền hỏi. C đáp lại: Có!. “Vậy sao bị cáo lại không xin giảm nhẹ…”, thẩm phán vặn lại. C vẫn khăng khăng không xin giảm nhẹ, mà tiếp tục trả lời, không!.

20240717_101607.jpg
Mẹ C đau khổ giấu đi những giọt nước mắt tại phiên tòa.

Một luật sư bào chữa cho một số bị cáo tại phiên tòa chia sẻ, trong xét xử gặp những đối tượng như C rất mệt mỏi. Các em có vào tù, khi ra tù cũng có thể lại phạm tội. Đây không phải là lời nhận định của một luật sư mà nhiều người trong phiên xét xử có chung suy nghĩ, nhưng xét về yếu tố cấu thành nên tội phạm và gia cảnh của C khó khăn nên Hội đồng xét xử giảm cho C xuống còn 2 năm 3 tháng tù, thay vì 2 năm 6 tháng tù.

Gia cảnh đáng thương

Bà Nguyễn Thị T, mẹ của C, người đang điều trị bệnh ung thư nhưng cố giấu đi những giọt nước mắt kể, bà lập gia đình năm 18 tuổi và sinh ra C, sau đó bà ly hôn, rồi đi bước nữa, sinh thêm 2 người con. C được ông bà ngoại và mẹ lo cho ăn học đến nơi đến chốn, nhưng học đến lớp 9 thì bỏ học giữa chừng. Việc bỏ học này, C tâm sự với chúng tôi bên lề phiên tòa ngay sau lời nói sau cùng của bị cáo nói với Hội đồng xét xử: Nếu thuận lợi thì bây giờ em đã học hết lớp 12 và đi nghĩa vụ quân sự. Hồi đó em đang học lớp 9, tiếp xúc với những đứa bạn nghỉ học, dẫn đến lơ là việc học, nhà trường khiển trách… sinh ra tính tình hung hăng, mâu thuẫn với bạn bè trong lớp, cảm thấy bị cô lập nên em nghỉ học.

Sau khi nghỉ học, C đi biển nhưng với bản tính “anh đại”, C dang tay “bảo vệ” bất cứ đứa em nào trong xóm, nếu bị ai ăn hiếp. “V là người đầu tiên xích mích với nhóm Chí Công dẫn đến vụ án này, vì nó ở chung xóm với em nên em giúp nó đi đánh lại. Nói chung những đứa em ở chung xóm, chung làng là lúc nào em cũng bảo vệ chúng nó…”, C diễn giải tính cách của mình. Đồng thời C cũng chia sẻ, việc không xin tòa giảm án khi Hội đồng cho phép nói lời sau cùng, do biết mình vi phạm pháp luật và nghĩ, có xin thì cũng đã vi phạm nên hội đồng cho giảm được bao nhiêu thì giảm. Điều này sẽ bất lợi cho C vì lời nói “chẳng mất tiền mua”, dễ gây cho người khác đánh giá không tốt về mình, ngay cả chúng tôi nếu không tiếp xúc với C. Thực tế, qua trò chuyện nhận thấy dù không được học hành đầy đủ nhưng C cũng biết đúng, sai, thương yêu mẹ, ông bà. Chuyện gây án hôm nay là do phút thiếu suy nghĩ. “Em cảm thấy hối hận và thương Kh, người đã không hận thù em mà còn xin giảm án cho tụi em”, C nói. Về tương lai C chia sẻ, khi chấp hành án xong, C sẽ đi tìm một công việc khác để làm thay vì nghề biển.

Đây là cú ngã đầu đời của một thanh niên có gia cảnh đáng thương, cần cộng đồng, xã hội quan tâm hướng nghiệp sau khi em ra tù, để trở thành công dân tốt.

NINH CHINH

Related articles
Thấy gì trong phiên tòa xét xử trẻ vị thành niên
Bình thản nói, cười, thậm chí thể hiện hành vi bất kính với Hội đồng xét xử... Đó là những gì thường thấy trong phiên tòa xét xử những vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên phạm tội băng nhóm. Cần ngành chức năng quan tâm răn đe, giáo dục thêm để không là mầm mống của tội phạm nguy hiểm trong xã hội hiện tại và tương lai.

(1) Comments
Focus
Tiếp nhận hơn 1,5 tỷ đồng hỗ trợ học bổng, bảo hiểm y tế
BTO-Lễ ra mắt Ban Quản lý dự án do Tổ chức Freres De Nos Freres tài trợ để thực hiện phi dự án hỗ trợ học bổng học sinh nghèo, cải thiện sức khỏe cộng đồng tại 3 huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam vừa được Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh tổ chức sáng 25/11. Lãnh đạo Liên hiệp hội, Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng Thiện Chí cùng các chuyên viên tham dự lễ.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đằng sau lời nói cuối cùng của một bị cáo