Đề nghị tàu hậu cần nghề cá chở gia súc!
Trong tháng 7- 8/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được đơn của mấy công ty, cá nhân đề nghị cùng một nội dung là xem xét, hướng dẫn điều kiện cho tàu hậu cần nghề cá vận chuyển gia súc (heo, bò) từ Phan Thiết về Phú Quý để phục vụ nhu cầu thực phẩm cho huyện đảo. Mới đây, sở cũng nhận được Công văn số 1239/UBND ngày 06/8/2024 của UBND huyện Phú Quý về việc chuyển đơn đề nghị của một công ty vận tải với nội dung kiến nghị tương tự. Chỉ khác, đơn vị này nhấn mạnh ngành chức năng tạo điều kiện xem xét, chấp thuận để tàu hậu cần nghề cá vận chuyển gia súc (heo, bò) từ Phan Thiết về Phú Quý để phục vụ nhu cầu thực phẩm cho huyện Phú Quý chỉ trong 3 tháng, tức tới ngày 1/11/2024 với đảm bảo thực hiện an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường biển khi chở gia súc. Vì hiện đơn vị này đang hoán cải 01 tàu biển để chuyên chở gia súc cung cấp cho người dân Phú Quý.
Trước những kiến nghị trên, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời cho các công ty, cá nhân cùng một nội dung. Theo đó, Luật Thủy sản 2017 quy định: “Tàu cá bao gồm tàu khai thác nguồn lợi thủy sản và tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản; cảng cá là cảng chuyên dụng cho tàu cá”. Tại khoản 12 Điều 3 Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản bao gồm: tàu thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ nguồn lợi thủy sản, tàu vận chuyển (chuyển tải, chế biến) thủy sản, sản phẩm thủy sản, trừ tàu chở thủy sản, sản phẩm thủy sản bằng công-ten-nơ”. Vì thế, theo quy định nêu trên thì tàu cá (tàu khai thác nguồn lợi thủy sản và tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản) không có công năng, công dụng vận chuyển gia súc (heo, bò) và cảng cá không có chức năng tiếp nhận tàu thuyền vận chuyển gia súc (heo, bò). Do đó, việc các tàu hậu cần nghề cá đề nghị chở thêm gia súc ra đảo là không thể.
Bên cạnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thông tin đối với ý kiến đề nghị hướng dẫn điều kiện để tàu dịch vụ hậu cần được chở hàng hóa, gia súc, gia cầm và dự định đầu tư phát triển (đóng mới, thuê, mua…) tàu để vận chuyển hàng hóa (tàu vận tải) thì nội dung này không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của sở nên đề nghị doanh nghiệp liên hệ Sở Giao thông vận tải và cơ quan chức năng có liên quan để được hướng dẫn cụ thể.
Cần có thời gian
Qua đó cho thấy một thực tế đang rối trong lĩnh vực chuyên chở gia súc ra Phú Quý. Những người có liên quan đang loay hoay giữa 2 cảng: Cảng cá Phan Thiết và Cảng vận tải Phan Thiết thông qua những suy nghĩ rất đơn giản về công năng của những tàu hậu cần nghề cá và tàu hàng nên có những kiến nghị và nhận kết quả từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như trên. Ngay cả tàu hàng là 2 tàu vận tải hàng hóa Quản Trung, Quản Trung 2, lâu nay vẫn chở hàng hóa, kèm gia súc với khối lượng khống chế là 4 tấn gia súc trên mỗi chuyến nhưng trong tháng 6/2024 rồi thì phải ngưng chở gia súc. Vì qua kiểm tra của cơ quan chức năng, các tàu này không đảm bảo phù hợp theo công năng, không đáp ứng yêu cầu theo quy định của cơ quan Đăng kiểm.
Theo ông Đỗ Văn Thuận, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, đối với các tàu chở gia súc (heo, bò…) phải phù hợp với công năng cho phép của tàu, thể hiện trong hồ sơ kỹ thuật; khu vực chất xếp hàng hóa gia súc phải được cơ quan Đăng kiểm thẩm định trên bản vẽ thiết kế và đã thực hiện đầy đủ việc lắp đặt, bố trí, gia cố các trang thiết bị, biện pháp phù hợp, phê duyệt thỏa mãn các hạng mục theo yêu cầu để được chở gia súc theo quy định.
Ông Thuận cho biết thêm, theo hồ sơ thiết kế đã được đăng kiểm thẩm định, tàu Quản Trung và Quản Trung 02 (đơn vị chỉ quản lý giám sát 2 tàu này) cần phải bổ sung các hạng mục như cửa rào chắn giữa khu vực buồng ở với khu vực chứa gia súc; bổ sung mái che khu vực chở gia súc; bổ sung máng nước uống cho gia súc; dời vị trí nắp hầm thoát hiểm buồng máy… Tuy nhiên, đến nay 02 tàu vẫn chưa đầu tư thực hiện, hoán cải các hạng mục theo thẩm định thiết kế để được cơ quan Đăng kiểm phê duyệt, cấp hồ sơ tàu chở gia súc. Vì vậy, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận và Biên phòng không có cơ sở để giải quyết cho tàu vận chuyển gia súc (heo, bò...) từ đất liền ra đảo Phú Quý.
Trong khi đó, phía doanh nghiệp vận tải quản lý 2 tàu hàng Quản Trung, Quản Trung 02 cho biết, việc chở hàng hóa gia súc chỉ là chở thêm trong rất nhiều hàng hóa khác và cũng chỉ chở từ 4 tấn trở xuống theo quy định nên doanh thu không nhiều, không phải là mặt hàng chủ lực của tàu. Trong khi, việc hoán cải theo yêu cầu trên thì chi phí bỏ ra rất cao, phát sinh thêm thủ tục, trong khi cước chưa thể tăng được nên đơn vị đang cân nhắc…
Theo quy định đặt ra trong chuyên chở gia súc là phải tuân thủ nhưng làm sao cũng phải bảo đảm không gây khủng hoảng thiếu thực phẩm bò, heo cho đảo Phú Quý vào lúc này. Vấn đề phải giải quyết bây giờ như kiến nghị của nhân dân Phú Quý với đại biểu HĐND huyện là cơ quan chức năng hãy cho khoảng thời gian nhất định để các doanh nghiệp vận tải sắp xếp, tính toán lại việc hoán cải tàu chở hàng, có thể chở gia súc bảo đảm sức khỏe vật nuôi để còn nuôi tiếp trên đảo. Trong thời gian này, việc chuyên chở gia súc ra đảo cần được tiếp tục dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng trong khắc phục tạm thời để hạn chế thấp nhất những nguy cơ xảy ra trên biển. Giải pháp tạm thời này sẽ giúp Phú Quý không bị thiếu thực phẩm và còn giữ món đặc sản địa phương bò nóng cho phát triển du lịch.