Tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh dài gần 175 km (từ Km 1439+200 thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong đến Km1614+128 thuộc xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh) đi qua 6 huyện với 27 xã, 2 thị trấn. Toàn tỉnh có 64 đường ngang (7 đường ngang có người gác, 45 đường ngang có cảnh báo tự động và cần chắn tự động, 12 đường ngang phòng vệ bằng biển báo) và 112 lối đi tự mở. Thời gian qua, tuyến đường sắt đã phát huy vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, hành khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Để đảm bảo TTATGT, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và Công an các địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại các xã, trường học, tổ chức cho ký cam kết, yêu cầu các chủ xe máy cày, máy kéo không vi phạm Luật Giao thông đường sắt. UBND nơi có đường sắt đi qua cũng triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn hoạt động đường sắt, từ chủ động vận động người dân chấp hành luật giao thông đến tổ chức lực lượng tham gia giải tỏa, xử lý vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt.
Thời gian vừa qua, Phòng Cảnh sát giao thông đã tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, bảo đảm TTATGT. Trong 6 tháng đầu năm, Phòng Cảnh sát giao thông đã thực hiện 37 ca tuần tra kiểm soát với 111 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia. Qua đó đã phát hiện, nhắc nhở 70 trường hợp người điều khiển phương tiện chú ý dừng lại quan sát khi băng qua đường ngang. Thực hiện kiểm tra 17 lượt tại các nhà ga và 22 gác chắn, tiến hành đo nồng độ cồn đối với 36 nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu và người điều khiển phương tiện qua đường ngang, không phát hiện vi phạm. Phối hợp với lực lượng chức năng đảm bảo cho 4.232 lượt đoàn tàu qua Ga Bình Thuận tuyệt đối an toàn.
Qua công tác tuần tra kiểm soát, vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan, xem nhẹ quy tắc đảm bảo ATGT khi qua đường sắt nên dẫn đến TNGT. Tình trạng người dân xây công trình phụ vi phạm hành lang ATGT đường sắt xảy ra ở một số địa phương có tuyến đường sắt đi qua, nhất là tại huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam. Tình trạng người dân tự ý mở đường mòn, lối mở qua đường sắt của một bộ phận người dân thường sử dụng xe công nông, xe chở nông sản để băng qua các lối đi dân sinh làm tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến TNGT đường sắt.
Để kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm về TTATGT đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông đã triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt được quy định tại Nghị định số 100/2019/ NĐ-CP, ngày 30/12/2019 được sửa đổi bổ sung theo Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, ngày 28/12/2021 của Chính phủ đối với nhân viên đường sắt tại các ga trên tuyến. Các đơn vị sử dụng khai thác, quản lý, kết cấu hạ tầng đường sắt, các đơn vị kinh doanh vận tải đường sắt. Kiểm tra nồng độ cồn, ma túy đối với lái tàu nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu.
Thực hiện kiểm tra để kịp thời phát hiện các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đường sắt để kiến nghị các ngành chức năng khắc phục, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT, phối hợp tổ chức cưỡng chế các hành vi vi phạm hành lang ATGT đường sắt, lối đi tự mở nối với đường bộ thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt tại các đường ngang có tình hình giao thông phức tạp, có nhiều phương tiện qua lại. Đồng thời đưa ra những biện pháp ngăn chặn và xử lý các trường hợp phá hoại công trình đường sắt; điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT đường sắt theo quy định của pháp luật.