Xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 dự báo đạt 4,4 tỷ USD

10/07/2024, 16:28

Báo cáo tại Hội nghị toàn thể hội viên 2024 của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngày 10/6 đưa ra dự báo, xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 sẽ đạt 4,4 tỷ USD – tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, trong tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt mức cao nhất từ đầu năm tới nay khi hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có tăng trưởng cao; trong đó, xuất khẩu cá tra tăng 22%, cá ngừ tăng 40%, cua ghẹ tăng 59%; riêng mặt hàng tôm tăng nhẹ 7%. Tuy nhiên, xuất khẩu mực, bạch tuộc ghi nhận mức giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

screenshot_1720603749.png
Xuất khẩu thủy sản tiếp tục chịu tác động từ cạnh tranh về giá, chi phí đầu vào tăng và nguyên liệu thiếu hụt.

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm các loại mang về hơn 1,6 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ; trong đó, tôm chân trắng đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng nhẹ 3%; tôm sú đạt trên 200 triệu USD, giảm 10%. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm tăng mạnh gấp 57 lần so với cùng kỳ đạt hơn 130 triệu USD.

Xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm nay đạt 922 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Tuy có cải thiện về nhu cầu nhưng giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, EU, Anh vẫn ở mức thấp. Riêng thị trường Mỹ có tín hiệu khả quan hơn về cả giá và sản lượng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam.

So với tôm và cá tra, xuất khẩu cá ngừ nửa đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng nổi bật hơn, tăng gần 25% với kim ngạch đạt 477 triệu USD. Xuất khẩu cá ngừ sang hầu hết các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu nhờ phân khúc cá ngừ đóng hộp, đóng túi tăng mạnh.

Theo đó, hai thị trường lớn nhất là Mỹ, EU tăng trưởng lần lượt 30% và 37%; Mỹ hiện chiếm 37% còn EU chiếm 22% trong tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Riêng khu vực EU chứng kiến mức tăng phi mã ở thị trường Italy, có tháng tăng đến 224%. Trong khi năm 2023, Việt Nam chỉ xuất được thịt cá ngừ đông lạnh sang Italy, năm nay sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh và khô chiếm tới 64% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Theo phân tích của bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ, từ năm 2021 trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tăng. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã tăng 51% từ mức 169 triệu USD năm 2021 lên 255 triệu USD năm 2023.

Bước qua năm 2024, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh hơn qua từng tháng. Sau khi phải đối mặt với lạm phát và lãi suất cao kỷ lục, người tiêu dùng nhiều nơi có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn. Do đó, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm giá rẻ như: cá ngừ đóng hộp tăng lên.

Thêm vào đó, việc tận dụng được ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ đóng hộp Việt Nam vào EU. Hiện, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đã tiếp cận được hơn 65 thị trường khác nhau; trong đó, Mỹ, EU và Israel là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất, xuất khẩu sang các các thị trường này nửa đầu năm 2024 đều tăng trưởng cao, lần lượt tăng 88%, 35% và 141% so với cùng kỳ.

Ngoài cá ngừ, nhiều mặt hàng cá biển khác cũng có nhu cầu và doanh số bán tăng mạnh trong nửa đầu năm nay; trong đó, cá chẽm có tăng trưởng xuất khẩu 27% đạt trên 36 triệu USD, cá chỉ vàng tăng 14% đạt trên 29 triệu USD, cá thu tăng 6%, cá minh thái tăng 8% đạt 38 triệu USD, cá cam tăng 96%.

Xét về thị trường, EU là khu vực có tăng trưởng xuất khẩu đột biến trong tháng 6 với mức tăng 40%. Lũy kế nửa đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 513 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của EU sẽ càng tăng sau kỳ nghỉ hè ở châu Âu. Hai thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng cao trong tháng 6/2024; trong đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng 14%, sang Trung Quốc tăng 18%.

Theo các chuyên gia, kinh tế Mỹ đang có những tín hiệu lạc quan, lạm phát đã giảm từ 9% xuống còn 3%, do đó, sẽ có cơ hội tốt cho tăng tiêu dùng thủy sản. Lũy kế nửa đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 733 triệu USD, tăng 9%. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc nửa đầu năm chỉ tăng 7%, đạt 766 triệu USD.

Với thị trường Nhật Bản, tính tới hết tháng 6/2024, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 705 triệu USD, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ 2023. Đồng Yên Nhật mất giá 12% so với đồng USD và là đồng tiền mất giá nhiều nhất trong các ngoại tệ mạnh là một yếu tố khiến nhập khẩu của nước này giảm. Ngoài ra, những bất lợi do Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản cũng góp phần khiến cho nhập khẩu của Nhật Bản chững lại.

Các doanh nghiệp cho rằng, thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ ổn định hơn và tăng tốc trong quý III, quý IV nhờ nhu cầu tiêu dùng mùa lễ, tết. Trong khi đó, Vasep cũng dự báo, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm 2024 sẽ cao hơn cùng kỳ khoảng 15%, đạt trên 5,5 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản cả năm 2024 sẽ cán đích 10 tỷ USD.

H LAN (TỔNG HỢP)

Related articles
Ban hành Điều lệ Giải Báo chí quốc gia (sửa đổi): Bổ sung thêm 2 loại Giải mới
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Lê Quốc Minh vừa ký Quyết định số 50/QĐ-HĐGBCQG ngày 21/6/2024 về việc Ban hành Điều lệ Giải Báo chí quốc gia (sửa đổi).

(0) Comments
Focus
Kính mời độc giả đón đọc báo in Bình Thuận hôm nay (5/11)
Tổ hợp tác sản xuất bánh tráng mì Thiện Nghiệp; Ngăn chặn hành vi tác động đến tài nguyên rừng; Hợp tác phát triển các KCN: Thu hút doanh nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh về Bình Thuận; Thân thương những nghề xưa cũ; Nguồn lực tài nguyên - tiềm năng lớn cho phát triển du lịch; Vũ điệu Chămpa… là những bài viết đáng chú ý trong số báo in xuất bản ngày 5/11/2024. Mời quý độc giả đón đọc.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 dự báo đạt 4,4 tỷ USD