Ứng phó và khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai

19/06/2024, 05:05

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra các loại hình như nắng hạn, sóng lớn, triều cường và sạt lở bờ biển, mưa lớn... gây thiệt hại nặng về tài sản và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Nhiều địa phương bị thiệt hại

Chỉ tính trong tháng 6/2024, trên địa bàn huyện Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh đã liên tục xảy ra các đợt mưa lớn, gió lốc, gây tốc mái nhà dân, hư hỏng một số công trình dân sinh và thiệt hại nhiều diện tích cây trồng của nhân dân.

z5508367960511_ab64627ca2eb6050be3fb36dbe2dd4d2.jpg
Mưa lớn, lốc xoáy gây ngã đổ, thiệt hại cây trồng của dân.

Đơn cử tại huyện Bắc Bình, ngày 6/6, xã Bình An có mưa lớn kèm lốc xoáy cục bộ đã gây tốc mái 5 căn nhà của dân và 1 nhà trường trên địa bàn, ước thiệt hại 240 triệu đồng. Tiếp đó, ngày 8/6 mưa lớn kèm lốc xoáy, gây ngã đổ 6 cây trụ điện, biển báo giao thông, lều tạm của một số hộ buôn bán của người dân ở xã Hòa Thắng, ước giá trị 950 triệu đồng.

c0ed009a-5e0c-42c2-97ce-7a9c94579467.jpeg
Nhà cửa bị thiệt hại do lốc xoáy.

Trước đó, trong tháng 5/2024 xảy ra 2 đợt mưa lớn trên địa bàn tỉnh, gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực huyện Tánh Linh, Đức Linh và TP. Phan Thiết. Đặc biệt, phải kể đến tình hình nắng hạn kéo dài trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay. Đợt thứ nhất xảy ra cục bộ từ ngày 10 - 12/4 ở khu vực phía Bắc các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, đợt thứ 2 xảy ra từ ngày 26 - 30/4 trên diện rộng hơn ở các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Đức Linh, Tánh Linh và TP. Phan Thiết. Hạn hán dẫn đến các sông suối nhỏ bị cạn kiệt, tình hình khô hạn, thiếu nước diễn ra nhiều nơi trong tỉnh.

z5460435731089_84742c0a145d7ecd3196e2b201c6312d.jpg
Cát tràn xuống đường do mưa lớn tại Phan Thiết.

Ở trên biển, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường gây sóng lớn kết hợp triều cường, đã làm sạt lở bờ biển tại TP. Phan Thiết, huyện Hàm Tân, chìm tàu cá tại khu vực biển TP. Phan Thiết. Đơn cử, tình trạng xâm thực biển xảy ra từ ngày 11 - 12/1 tại khu vực thôn Tiến Hải và thôn Tiến Hòa, xã Tiến Thành làm sạt lở bờ biển với chiều dài khoảng 230 m, làm sập hàng rào, hồ bơi của 3 hộ dân. Ngày 12/3, tàu cá BTh 97692 TS, công suất 227 CV, hành nghề câu, bị sóng lớn đánh chìm tại khu vực biển cách Mũi Né khoảng 2 hải lý về hướng Đông Nam, làm 1 lao động tử vong…

z5332070110198_a3a789e1997b317e2cfb357119c4af46.jpg
Nắng hạn gây cạn kiệt nguồn nước ở nhiều hồ chứa.

Chủ động cứu hộ, cứu nạn

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, một trong những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống thiên tai là trong năm 2023 và các năm gần đây, tỉnh Bình Thuận ít xảy ra loại hình thiên tai lớn. Thay vào đó, Bình Thuận chỉ xảy ra một số loại hình thiên tai cục bộ như lốc xoáy, sét đánh, mưa to gây lũ, lũ quét, sạt lở đất cục bộ, ngập lụt vài ngày nhưng chủ yếu là các khu vực sản xuất nông nghiệp, mức độ ngập không sâu... Nếu thiên tai lớn xảy ra thực tế sẽ rất lúng túng, các lực lượng tham gia xử lý tình huống không được luyện tập, diễn tập và chưa trang bị đầy đủ các trang thiết bị ứng phó, phù hợp để xử lý tốt các tình huống thiên tai, sự cố lớn...

z4752143783539_095bcf856671f7f1638e3d2e4c6dbab1.jpg
Các lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Để chủ động phòng tránh, ứng phó và nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đã đề nghị các ngành, các cấp xác định phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phân công, phân cấp xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực theo phân cấp, kết hợp xã hội hóa các nguồn lực hợp pháp trong và ngoài tỉnh để chủ động trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai.

z5514940091236_81d4745361dfd2f68d914fb94bce92ab.jpg
Lực lượng chức năng hỗ trợ cấp cứu ngư dân gặp sự cố trên biển.

Cùng với đó, chủ động cứu hộ, cứu nạn, di dời người và tài sản bảo đảm an toàn trước, trong và sau thiên tai. Tập trung chỉ đạo, lãnh đạo hạn chế, kéo giảm tối đa số vụ thiệt hại về người, tài sản, phương tiện trên biển. Nắm chắc thông tin liên lạc, số lao động trên tàu, khu vực hoạt động để kiểm đếm, quản lý hiệu quả, phục vụ tốt công tác chỉ huy, ứng cứu, kêu gọi vào bờ khi có thiên tai, sự cố trên biển. Kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch sắp xếp neo đậu, kéo tàu thuyền lên bờ và di dời tàu thuyền khi có thiên tai lớn xảy ra, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân... Qua đó, chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bình Thuận xảy ra thiệt hại do thiên tai và sự cố gây ra làm 1 người chết (do sóng lớn làm chìm thuyền); 126 căn nhà ở, trên 2.700 ha sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại; có 230 m bờ biển bị sạt lở, và 151 m đường giao thông bị hư hại. Ước giá trị thiệt hại toàn tỉnh khoảng 5,89 tỷ đồng. Ngoài ra, trên biển Bình Thuận đã xảy ra 37 vụ tai nạn, sự cố, làm chết 19 người, mất tích 1 người; chìm 11 tàu cá, 3 tàu bị sự cố, 2 tàu bị đâm va.

KIỀU HẰNG

Related articles
Giải pháp thực hiện quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 145/2024/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng phó và khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai