Mục tiêu nhằm đánh giá toàn diện công tác PCTT năm 2023, bao gồm những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua. Đồng thời, đánh giá tình hình thiên tai trong năm 2024, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác PCTT trong năm. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì, cùng sự tham dự của một số sở, ban, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2023 cả nước xảy ra 1.964 trận thiên tai, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Hậu quả, trên cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.324 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất… Hậu quả, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.
Riêng tại Bình Thuận, năm 2023 tình hình khí tượng thủy văn diễn biến ít phức tạp hơn các năm trước. Tuy nhiên các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm như dông sét, mưa lớn cục bộ, gió mạnh trên biển cũng đã gây ảnh hưởng nhất định đến đời sống dân sinh và phát triển kinh tế ở địa phương.
Khu vực vùng biển Bình Thuận xảy ra nhiều đợt sóng lớn, gió mạnh gây khó khăn cho giao thông, khai thác, nuôi trồng thủy hải sản. Trong năm 2023 Bình Thuận có 8 người chết, 449 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái; 7.682 ha diện tích cây nông nghiệp bị thiệt hại, 10 hạng mục cầu, cống giao thông, công trình thủy lợi bị hư hỏng; 4.773m bờ biển bị sạt lở... Tổng thiệt hại toàn tỉnh khoảng 248 tỷ đồng. Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm 2024, Bình Thuận xảy ra nắng nóng, khô hạn, sạt lở bờ biển và sự cố trên biển.
Theo UBND tỉnh, thời gian qua các cấp, ngành và các địa phương trong tỉnh đã phối hợp, triển khai có hiệu quả các phương án ứng phó, phòng chống thiên tai trên toàn tỉnh. Song song, tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng khắc phục hậu quả, hỗ trợ kịp thời người dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra để ổn định cuộc sống.
Sau khi nghe các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ ngành địa phương, các lực lượng và người dân trong công tác PCTT, TKCN năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Phó Thủ tướng đề nghị, thời gian tới các bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai. Đồng thời, kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp đảm bảo hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác PCTT, TKCN; nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra gây thiệt hại lớn như bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất. Đầu tư hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra…