Thời gian gần đây, cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tại Bình Thuận, từ năm 2023 đến nay xảy ra 44 vụ cháy, làm 4 người chết, 3 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước trên 120 tỷ đồng, trong đó có 9 vụ cháy nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm hơn 20% tổng số các vụ cháy). Điều đó cho thấy công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực PCCC còn có những thiếu sót, việc trang bị các kiến thức, kỹ năng về PCCC của người dân còn hạn chế. Thực trạng trên cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong nỗ lực phòng cháy ngay từ ban đầu tại cơ sở kinh doanh, nhà dân.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, tỉnh ta xác định trong PCCC phải lấy phòng ngừa là chính. Quá trình đó, cần đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC; tăng cường phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ, thoát nạn cho nhân dân, từng hộ gia đình; huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy. Trên tinh thần đó, các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng các mô hình tự phòng, tự quản về PCCC. Đơn cử, tại La Gi, thực hiện Chỉ thị số 01, thị xã đã chỉ đạo xây dựng mô hình điểm “Tổ liên gia an toàn PCCC” tại khu dân cư ở khu phố 1, phường Phước Lộc. Để kịp thời giải quyết nhiều vấn đề phát sinh, tiềm ẩn phức tạp cả về an ninh trật tự và PCCC trên địa bàn, sau 1 năm La Gi đã nhân rộng, xây dựng được 63 “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “65 Điểm chữa cháy công cộng”, trong đó có 1 mô hình “Cụm liên gia an toàn PCCC, cứu nạn, cứu hộ và đảm bảo an ninh trật tự khu tránh bão – Cảng cá La Gi”.
Công an tỉnh cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh đã vận động xây dựng được 656 “Điểm chữa cháy công cộng” và 720 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”. Hầu hết, các mô hình trên đều phát huy hiệu quả trong tuyên truyền kiến thức về PCCC, cũng như thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong việc xử lý các tình huống cháy, nổ tại cơ sở. Tuy nhiên, qua kiểm tra, một bộ phận gia đình còn hạn chế về nhận thức cho rằng công tác đảm bảo an toàn PCCC là nhiệm vụ của riêng cấp chính quyền nên việc triển khai chậm, không đảm bảo yêu cầu. Một số người dân cho rằng việc lắp trang thiết bị PCCC theo yêu cầu dễ ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung, gây khó khăn trong công tác triển khai, thực hiện.
Vì thế, để tiếp tục nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và xây dựng “Điểm chữa cháy công cộng” trên toàn địa bàn đảm bảo phát huy hiệu quả trong công tác sẵn sàng PCCC, cứu nạn cứu hộ theo phương châm 4 tại chỗ, các địa phương trong tỉnh đang tập trung tuyên truyền, vận động để mỗi người dân, mỗi gia đình hiểu và thấy được hiệu quả thiết thực của việc xây dưng mô hình này, nhất là trong bảo vệ tính mạng và chính tài sản của mỗi gia đình trong xã hội, đảm bảo an ninh trật tự. Để từ đó, dân tình nguyện tham gia “Tổ liên gia an toàn PCCC”. Nhiều địa phương cũng hướng xây dựng các mô hình an toàn PCCC trong trường học, khối cơ quan nhà nước. Thường xuyên tổ chức các buổi huấn luyện , thực tập phương án chữa cháy cho thành viên các tổ liên gia để đảm bảo các kỹ năng được sử dụng thuần thục, phát huy hiệu quả khi có sự cố cháy, nổ xảy ra…