Ngư dân yên tâm bám biển
Những ngày này, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP trong tỉnh vẫn miệt mài đưa những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về biển, đảo đến với ngư dân. Tại vùng biển Thanh Hải (TP. Phan Thiết), Đồn Biên phòng Thanh Hải đang tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức, trọng tâm phổ biến quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Theo Đồn Biên phòng Thanh Hải, tuyên truyền, phổ biến là biện pháp chính yếu nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của ngư dân về các quy định của pháp luật khi khai thác, đánh bắt hải sản. Vì thế, nhiệm vụ này được các tổ, đội của Đồn Biên phòng Thanh Hải phối hợp thực hiện thường xuyên, liên tục.
Ông Lê Đức Mến – thuyền trưởng tàu cá BTh 98671 TS ở phường Thanh Hải cho biết, trước đây ông chỉ tập trung làm sao để đánh bắt được nhiều cá, mà ít quan tâm đến quy định của pháp luật về khai thác hải sản xa bờ, các thuyền viên cũng không am hiểu quy định của pháp luật trên lĩnh vực này. Song, nhờ được Biên phòng nhắc nhở, tuyên truyền mà ông Mến và nhiều ngư dân khác nay hiểu hơn về pháp luật. “Được trang bị kiến thức pháp luật, giờ đây mỗi chuyến biển chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn, không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài” – ông Mến chia sẻ. Được biết, song song với tuyên truyền, Đồn Biên phòng Thanh Hải còn phân công, tổ chức lực lượng quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động tàu cá qua hệ thống giám sát, đồng thời đẩy mạnh tuần tra, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyên truyền, kết hợp giám sát, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý tàu cá vi phạm cũng chính là biện pháp được lực lượng Biên phòng tỉnh đẩy mạnh và thực hiện nghiêm túc. Từ năm 2018 đến nay, BĐBP tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền pháp luật cho hơn 153.000 lượt ngư dân, cấp phát hơn 13.700 tờ rơi liên quan đến công tác chống khai thác IUU. Kết quả, hơn 12.800 lượt chủ thuyền, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, BĐBP tỉnh cũng duy trì nghiêm hoạt động tuần tra, kiểm soát, kiên quyết không cho tàu cá ra khơi hoạt động khi chưa đầy đủ các thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định, qua đó góp phần quan trọng kéo giảm tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Thống kê cho thấy, tình trạng ngư dân, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm đáng kể qua từng năm. Trong 6 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ/24 tàu cá/172 lao động vi phạm vùng biển nước ngoài, chủ yếu là vùng biển Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Nếu như năm 2018, xảy ra 6 vụ/9 tàu cá/63 lao động vi phạm thì đến năm 2022 xảy ra 3 vụ/4 tàu cá/24 lao động vi phạm. Sang năm 2023, Bình Thuận chỉ xảy ra 1 vụ/1 tàu cá/7 lao động vi phạm bị nước ngoài bắt giữ.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu cá
Hiện nay, toàn tỉnh có 7.861 tàu cá/44.542 lao động. Trong đó, tàu từ 15 mét trở lên đang hoạt động là 1.948 chiếc, tất cả đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt 100%. Đây là kết quả quan trọng phục vụ việc theo dõi, giám sát, cảnh báo kịp thời các trường hợp tàu cá vượt ranh giới biển Việt Nam. Tuy nhiên, việc trong năm vừa qua có 1 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài cho thấy chống khai thác IUU còn không ít tồn tại, khó khăn. Vì lợi ích kinh tế trước mắt, một số ngư dân đã xem thường lợi ích bền vững, lâu dài đã vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản trái phép.
Để chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài, BĐBP tỉnh cho biết đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng chủ động, phối hợp với các lực lượng chức năng và thông qua hệ thống VMS nắm chắc tình hình trên biển, chia sẻ, phối hợp kiểm tra thông tin về hoạt động của tàu cá, kịp thời phát hiện xử lý, tham mưu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến; tập trung vào các tàu cá từ 12 mét trở lên, tàu cá hoạt động xa bờ, các tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác IUU.
BĐBP tỉnh kiên quyết không cho xuất bến, xử lý nghiêm đối với chủ tàu, thuyền trưởng không thực hiện việc ký cam kết, không chấp hành đầy đủ các quy định khi hoạt động trên biển (thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị bảo đảm an toàn hàng hải, thiết bị giám sát hành trình…). Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng (Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư) để chủ động nắm chắc tình hình trên biển. Song song đó, duy trì có hiệu quả hoạt động của các “Tổ thuyền đoàn kết” khai thác hải sản trên biển. Kiểm điểm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, không quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn chặn, để tàu cá, ngư dân trên địa bàn xâm phạm vùng biển nước ngoài.