Tái cơ cấu ngành Công Thương: Tập trung phát triển trụ cột kinh tế của Bình Thuận

13/03/2024, 05:10

Công nghiệp được xác định là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh, do vậy thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn Bình Thuận cũng hướng đến góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có công nghiệp hiện đại và năng lực cạnh tranh cao vào năm 2030…

Xác định lĩnh vực nòng cốt

Sau khi UBND tỉnh ban hành vào đầu năm nay, kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn Bình Thuận đã được khởi động. Mục tiêu kế hoạch đặt ra là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như huy động sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực. Đồng thời phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng xanh, trọng tâm là phát triển công nghiệp - 1 trong 3 trụ cột kinh tế của Bình Thuận. Trong đó xác định lĩnh vực nòng cốt là công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.

canh-dep-4-.jpg
illustration-image-agrarmotiveadobestock-114330.jpg
Với nhiều tiềm năng và lợi thế, Bình Thuận phấn đấu trở thành một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước trong thời gian tới (Ảnh minh họa).

Với công nghiệp, địa phương tiếp tục huy động các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển ngành trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là tập trung chuyển đổi cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, có giá trị gia tăng cao và hiệu quả… Với tiềm năng và điều kiện hiện nay, Bình Thuận cũng quyết tâm đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng nhằm đưa vùng đất duyên hải cực Nam Trung bộ trở thành Trung tâm năng lượng của quốc gia. Theo đó có tính đến giải pháp ưu tiên phát triển điện khí hóa lỏng (LNG), năng lượng tái tạo mà đặc biệt là tiềm năng to lớn về điện gió ngoài khơi để mời gọi đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Ở lĩnh vực này, tới đây tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, các sản phẩm có lợi thế của Bình Thuận và công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng. Hay như đầu tư sản xuất nguyên vật liệu, phụ liệu ngành dệt - may, da - giày, sản xuất thiết bị điện, linh kiện điện tử, vật liệu mới, công nghiệp công nghệ cao, cơ khí, vật liệu xây dựng… Cùng với đó xúc tiến xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để Bình Thuận có thể trở thành Trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến titan.

Đầu tư hoàn thiện hạ tầng

Để triển khai kế hoạch đạt mục tiêu đề ra, Bình Thuận tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ yêu cầu phát triển ngành công nghiệp địa phương. Ngoài Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 1, trước hết sẽ hoàn thành hạ tầng, lấp đầy dự án thứ cấp tại các khu công nghiệp hiện hữu: Phan Thiết giai đoạn 2, Hàm Kiệm 1, Hàm Kiệm 2, Sông Bình và Tuy Phong. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như tạo điều kiện thuận lợi để sớm đầu tư hoàn thiện hạ tầng, thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp phía Nam Bình Thuận như: Tân Đức, Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2...

Tiếp đó là triển khai hình thành Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Hàm Tân - La Gi, xúc tiến lập Đề án thành lập Khu công nghệ cao và phấn đấu hình thành 1 Khu công nghiệp Công nghệ cao hiện đại, đồng thời quy hoạch Khu công nghiệp Công nghệ cao ở vị trí phù hợp, thuận lợi, hấp dẫn để kêu gọi nhà đầu tư… Trong thời gian tới, địa phương cũng đặt mục tiêu phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có từ 1 - 2 cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp. Mặt khác còn nghiên cứu đề xuất hình thành cụm công nghiệp có vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án nhà máy sản xuất thiết bị phụ trợ cho ngành năng lượng.

Đặc biệt với hạ tầng năng lượng, tỉnh sẽ kịp thời hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình đầu tư phát triển các dự án, công trình năng lượng. Quan tâm thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất cho các dự án, công trình nhà máy điện, đường dây và trạm biến áp trong quy hoạch điện lực đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong đó có dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I và dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ II (tổng công suất 4.500 MW) được xem là các dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng của Bình Thuận… Bên cạnh đó thường đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng và đẩy mạnh thu hút dự án thứ cấp nhằm đảm bảo tỷ lệ lấp đầy tại các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Với định hướng và tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương trong giai đoạn mới, Bình Thuận cũng hướng đến góp phần cùng cả nước phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có công nghiệp hiện đại và năng lực cạnh tranh cao vào năm 2030…

Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm qua cũng xác định công nghiệp là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của địa phương với nòng cốt gồm: Công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên kết ngành. Theo đó đặt mục tiêu đến năm 2030, Bình Thuận phấn đấu trở thành một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050…

Đ.QUỐC

Related articles
Đức vượt Nhật Bản thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới
GDP Nhật Bản giảm hai quý liên tiếp cuối năm 2023, khiến nước này rơi vào suy thoái, đồng thời mất ngôi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái cơ cấu ngành Công Thương: Tập trung phát triển trụ cột kinh tế của Bình Thuận