Đó là một trong những nhiệm vụ mà các sở, ban, ngành, địa phương và chủ đầu tư cần triển khai ngay theo yêu cầu của lãnh đạo UBND tỉnh nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2024. Cùng với đó nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, xây dựng kế hoạch cụ thể. Đồng thời xác định các mốc thời gian hoàn thành từng thủ tục như: Lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, ký kết hợp đồng với những dự án, gói thầu mới thực hiện trong năm 2024... Sau khi hợp đồng được ký kết thì phối hợp ngay với nhà thầu để triển khai thủ tục tạm ứng theo quy định, qua đó giúp nhà thầu có vốn để chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ công tác thi công.
Đặc biệt với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng để thi công phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tránh xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc thiếu vốn bố trí cho công tác này… Do vậy, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải thật sự vào cuộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, quyết liệt trong tổ chức thực hiện và làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tập trung phối hợp giải quyết, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Trong khi chủ đầu tư, nhất là các ban quản lý dự án của tỉnh quan tâm phối hợp chặt chẽ với nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh, đảm bảo tiến độ triển khai các gói thầu cũng như điều kiện thi công công trình. Trường hợp cần tăng mức tạm ứng vốn để đáp ứng nhu cầu cung ứng vật tư, vật liệu thì kịp thời báo cáo, đề xuất cơ quan thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật. Mặt khác phối hợp với các nhà thầu xúc tiến hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán, kiểm soát chi ngay sau khi đủ điều kiện hoặc có khối lượng hoàn thành theo quy định.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đề nghị các bên liên quan thường xuyên kiểm tra rà soát, đánh giá tình hình, tỷ lệ giải ngân của từng trường hợp, nhất là với dự án trọng điểm, bức xúc của tỉnh, dự án ODA, dự án được bố trí vốn lớn. Đồng thời nhận diện và dự báo sớm các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để xử lý theo thẩm quyền, hoặc báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét, chỉ đạo giải quyết. Kiên quyết và kịp thời điều chuyển vốn của những dự án chậm giải ngân sang dự án đã quyết toán hoặc đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, dự án có tiến độ giải ngân tốt bảo đảm hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Riêng với dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài thì khẩn trương gửi hồ sơ rút vốn đến Bộ Tài chính để thực hiện giải ngân theo quy định đối với các khối lượng đã thực hiện kiểm soát chi, không để tồn đọng… Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan (tư vấn, nhà thầu) theo các nguồn vốn (vay, viện trợ đồng tài trợ, đối ứng) để đảm bảo việc thực hiện thông suốt. Kịp thời dự báo, phát hiện các vướng mắc trong từng khâu thực hiện, qua đó xử lý hoặc báo cáo cơ quan chủ quản và bộ ngành liên quan xử lý theo thẩm quyền…
Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ trên 95%
Tại Bình Thuận, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao là 5.084.104 triệu đồng. Những tháng đầu năm nay, sở chức năng đã tham mưu UBND tỉnh phân khai chi tiết cho các dự án đủ điều kiện bố trí vốn khoảng 3.863.757 triệu đồng, số vốn còn lại hiện đang tiếp tục phân khai kịp thời khi đủ điều kiện... Trong thời gian tới, toàn tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện và phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch…