Ứng dụng nền tảng số để nâng cao các chỉ số cải cách hành chính

29/02/2024, 05:21

Để góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, công khai, minh bạch, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số. Thông qua việc ứng dụng nền tảng số đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành và cải thiện, nâng cao các chỉ số CCHC của tỉnh.

Thực trạng ứng dụng nền tảng số

Theo Sở Nội vụ, những năm qua, thực hiện Chương trình, mục tiêu chuyển đổi số Quốc gia và Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã triển khai các ứng dụng nền tảng số để góp phần cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và bước đầu đạt được kết quả quan trọng. Nổi rõ nhất là trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, triển khai nhiệm vụ, các nền tảng số đã tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh với dữ liệu quốc gia, gồm: Cổng dịch vụ công tỉnh, dịch vụ thanh toán trực tuyến; cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; Hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch; Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách; Hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung; hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến quốc gia...

z5196127608659_a7881bd867edd6c1541aeed09e00886b.jpg
Hội nghị tổng kết công tác CCHC và chuyển đổi số năm 2023.

Bên cạnh đó, một số nền tảng cơ sở dữ liệu số chuyên ngành của tỉnh đã hoàn thành kết nối, đồng bộ với các CSDL của bộ, ngành, Trung ương như: CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; CSDL hộ tịch, CSDL quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp; CSDL quốc gia về bảo hiểm; CSDL đất đai; quản lý đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội... Không dừng lại, việc ứng dụng nền tảng số hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã góp phần cải thiện, nâng cao các Chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS của tỉnh. Hệ thống nền tảng cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh được đồng bộ với CSDL quốc gia về TTHC và công khai rộng rãi để người dân, tra cứu trên môi trường mạng... Tính đến thời điểm hiện tại đã cập nhật công khai trên CSDL quốc gia và liên kết trang thông tin điện tử các cơ quan, địa phương với 1.849/1.849 TTHC, đạt tỷ lệ 100%.

Cùng với đó, nền tảng thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến đã triển khai cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến qua môi trường mạng. Đến nay, tỉnh cung cấp 846 DVC trực tuyến, gồm: 584 DVC trực tuyến toàn trình; 262 DVC trực tuyến một phần. Ngoài ra, hệ thống các thông tin, dữ liệu của các cấp chính quyền địa phương được thiết lập nền tảng chung và công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và của các cơ quan, đơn vị, địa phương để người dân, doanh nghiệp tra cứu, thực hiện.

Cũng theo Sở Nội vụ, bên cạnh những kết quả trên, việc ứng dụng nền tảng số để cải thiện, nâng cao các chỉ số xếp hạng CCHC cấp tỉnh vẫn còn những hạn chế. Đáng chú ý, tiến độ triển khai việc thực hiện số hóa các giấy tờ, kết quả giải quyết hồ sơ hành chính trên địa bàn tỉnh còn chậm. Từ đó chưa góp phần hoàn thiện nền tảng cơ sở dữ liệu của kết quả giải quyết TTHC để phục vụ tốt công tác quản lý, sử dụng, khai thác và tái sử dụng của tổ chức, cá nhân. Mặt khác, một số cơ sở dữ liệu liên quan thực hiện TTHC của người dân, doanh nghiệp như đất đai, cơ sở dữ liệu về dân cư chưa được kết nối sử dụng, nhất là trong thực hiện TTHC người dân còn phải kê khai, cung cấp lại nhiều thông tin. Nền tảng số phục vụ hoạt động các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tạo kênh tương tác chính quyền và người dân phát triển chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng của tổ chức, cá nhân...

Giải pháp nâng cao các chỉ số

Theo Sở Nội vụ, ứng dụng nền tảng số để cải thiện, nâng cao các chỉ số xếp hạng PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS cấp tỉnh, thời gian tới, các cấp, các ngành rà soát hoàn thiện nền tảng cơ sở dữ liệu số của ngành để đưa vào sử dụng, khai thác phục vụ công tác quản lý và chia sẻ thông tin cho tổ chức, cá nhân có liên quan, khai thác sử dụng. Xây dựng, phát triển hoàn thiện và đưa vào sử dụng hiệu quả các nền tảng số, hệ thống thông tin, CSDL dùng chung của tỉnh, nhất là kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; hệ thống số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực; CSDL hộ tịch, CSDL cán bộ, công chức, viên chức…

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai đảm bảo 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đồng thời tạo nhiều kênh hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng...

THU HÀ

Related articles

Quyết liệt hơn ở 6 lĩnh vực cải cách hành chính
BTO-Chiều ngày 2/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo để đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

(0) Comments
Focus
Phát triển kinh tế tập thể: Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Nhằm tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, ngoài việc thường xuyên củng cố tổ chức Liên minh Hợp tác xã (HTX) qua đó nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; tăng cường trách nhiệm của Liên minh HTX tỉnh với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, đòi hỏi các cấp các ngành cần tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng dụng nền tảng số để nâng cao các chỉ số cải cách hành chính