Khởi sắc lĩnh vực công nghiệp
Khép lại năm 2023, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Thuận cho biết cả năm thu hút được 9 dự án đầu tư mới (gồm 8 dự án trong nước, 1 dự án vốn nước ngoài) với tổng vốn đăng ký là 1.494 tỷ đồng và 3,6 triệu USD… Trong khi ở các cụm công nghiệp, chỉ riêng tại địa bàn huyện Đức Linh tiếp tục có thêm một số dự án đăng ký thực hiện: Dự án FDI Hàn Quốc đầu tư sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ khác cho xe ô tô và xe có động cơ khác (công suất 1.200 tấn sản phẩm/năm), dự án đầu tư Nhà máy sản xuất nội thất (công suất 108.000 sản phẩm/năm). Bên cạnh đó còn có dự án Nhà máy sản xuất giày dép các loại của Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam với vốn đăng ký hơn 1.345 tỷ đồng cũng được khánh thành, chính thức đi vào hoạt động trước thềm năm mới 2024.
Đặc biệt tại Bình Thuận, gần đây cũng ghi nhận có một số dự án quy mô lớn với kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển nhanh, bền vững đã được cấp thẩm quyền chấp thuận, đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư. Có thể kể đến dự án Kho cảng khí LNG Sơn Mỹ (tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD), hay như dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II với tổng công suất 4.500 MW (tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD)…
Theo đánh giá của Sở Công Thương, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận trong năm 2023 vẫn duy trì tăng trưởng với mức tăng 3,8% so với năm 2022 (theo giá so sánh 2010). Đáng chú ý là nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 11,66% so với năm trước đó, đồng thời vươn lên dẫn đầu trong cơ cấu ngành công nghiệp cũng như đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh. Do vậy triển khai nhiệm vụ năm 2024, tới đây ngành Công Thương địa phương sẽ tăng cường xúc tiến mời gọi đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Bình Thuận để phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp.
Tiếp tục mời gọi đầu tư
Nhờ các đoạn cao tốc đường bộ đi qua địa bàn tỉnh đã đưa vào sử dụng, “điểm nghẽn” về chồng lấn giữa quy hoạch khai thác, dự trữ titan với các quy hoạch khác dần được tháo gỡ, do vậy cũng tạo điều kiện để công nghiệp Bình Thuận hướng đến thu hút những dự án quy mô lớn. Hiện Bình Thuận cũng xây dựng danh mục các dự án ưu tiên huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó về lĩnh vực công nghiệp sẽ tiếp tục mời gọi đầu tư một số dự án nguồn điện như: Điện khí NLG Mũi Kê Gà và các dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió, thủy điện, nguồn điện khác (điện sinh khối, điện rác, điện đồng phát, pin lưu trữ, thủy điện trên hồ thủy lợi, thủy điện tích năng…).
Đối với ngành công nghiệp chế tạo, chế biến, sản xuất thì tập trung mời gọi đầu tư: Nhà máy sản xuất động cơ điện chuyên dùng; Nhà máy sản xuất dây và cáp điện, thiết bị và phụ kiện điện; Nhà máy chế tạo, lắp ráp thiết bị điện - điện tử, linh kiện máy tính, thiết bị công nghệ cao; Nhà máy sản xuất các linh kiện, thiết bị phục vụ ngành năng lượng tái tạo; Nhà máy sản xuất động cơ cho tàu, thuyền và chế tạo, lắp ráp máy móc, thiết bị nông ngư cụ; Khu đóng sửa chữa tàu, thuyền, thiết bị hàng hải. Ngoài ra cũng ưu tiên đầu tư các nhà máy: Sản xuất phụ kiện, linh kiện phụ tùng ô tô các loại; Sản xuất và lắp ráp ô tô; Sản xuất, gia công các cấu kiện thép, lưới thép; Sản xuất cửa nhựa lõi thép. Hay như thu hút đầu tư Nhà máy sản xuất ván nhân tạo; Nhà máy sản xuất hàng mỹ nghệ, nội thất gia dụng; Nhà máy sản xuất gạch men, vật liệu trang trí nội thất...
Trong khi lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản sẽ tập trung mời gọi đầu tư các nhà máy: Chế biến lương thực, chế biến thịt, trái cây; Chế biến các sản phẩm từ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương; Chế biến sản phẩm từ muối và sản phẩm sau sản xuất muối; Chế biến thực phẩm đóng hộp, nước giải khát; Chế biến, sản xuất nguyên, phụ liệu ngành thức ăn chăn nuôi… Riêng công nghiệp khai thác, chế biến sâu khoáng sản thì thu hút đầu tư nhà máy chế biến sâu về các khoáng sản...
Trong năm nay, Sở Công Thương còn tập trung tham mưu UBND tỉnh các kế hoạch thực hiện một số Quy hoạch ngành quốc gia trên địa bàn Bình Thuận gắn với phát triển hài hòa các ngành kinh tế khác. Trong đó có: Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050... Thông qua đó làm cơ sở để địa phương tiếp tục thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển công nghiệp vươn lên xứng tầm và khẳng định là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của Bình Thuận.