Những năm vừa qua, Ban Chỉ đạo tỉnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội đã ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và thường xuyên đôn đốc để Ban Chỉ đạo cấp huyện, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường chủ động triển khai, thực hiện phù hợp với tình hình của từng đơn vị, địa phương. Trọng tâm là triển khai, thực hiện đăng ký tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”. Cùng với đó, các sở, ngành đã phân công cán bộ chủ chốt đi cơ sở tiếp xúc, vận động những trường hợp cá biệt, cảm hóa giáo dục đối tượng tại địa bàn, nắm, giải quyết tình hình liên quan đến an ninh, trật tự tại cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ đảm bảo an ninh, nâng cao chất lượng công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…Qua đó, đã triển khai rộng khắp, huy động được sự tham gia của hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Quá trình thực hiện, Thường trực Ban chỉ đạo các cấp đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, người lao động, nhân dân chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật; nâng cao ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ; tham gia tố giác các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật; tham gia xây dựng, duy trì hoạt động các mô hình “tự phòng, tự quản” trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, việc triển khai xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt yêu cầu đề ra. Năm 2023, toàn tỉnh có 685/691 thôn, khu phố; 116/124 xã, phường, thị trấn; 795/809 cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục; đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”. Năm 2023, đã hoàn thành việc thiết lập 124 trang thông tin điện tử cho UBND các xã, phường, thị trấn nhằm phát triển mạng lưới thông tin cơ sở, hiện đại, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; kịp thời đưa tin tuyên truyền, phản ánh nhanh nhạy, đầy đủ, chính xác về các vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng… đến cán bộ và nhân dân. Các sở, ngành, lực lượng công an các cấp, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã vận động, tranh thủ các chức sắc người có uy tín trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và tôn giáo phát huy uy tín, vai trò trách nhiệm tích cực vận động tuyên truyền để các tín đồ, đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện công tác củng cố, xây dựng, sơ kết nhân rộng mô hình “tự phòng, tự quản” trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Hiện nay, toàn tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động 32 mô hình theo 6 lĩnh vực tại 870 điểm thôn, khu phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục. Quá trình hoạt động nhiều mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả như: Mô hình “Camera an ninh phòng, chống tội phạm”; “Giáo xứ Tư Tề, xã Đức Tín, huyện Đức Linh không có thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật”; “Liên kết đảm bảo an ninh, trật tự trong và ngoài Trung tâm điện lực Vĩnh Tân” tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong; “Chức sắc, nhân sĩ trí thức tham gia giữ gìn an ninh, trật tự” vùng đồng bào dân tộc Chăm, huyện Bắc Bình.
Việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ từng bước đi vào chiều sâu. Trong thời gian vừa qua đã xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, điển hình trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Trong năm 2023 đã có 1 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 13 tập thể, 15 cá nhân được Bộ Công an tặng bằng khen; 45 tập thể, 52 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.