Những ngày này tại hai làng nghề bánh tráng có tiếng của Bình Thuận là làng nghề bánh tráng Phú Long - huyện Hàm Thuận Bắc và làng nghề bánh tráng Chợ Lầu - huyện Bắc Bình đang vào vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cao điểm trong năm, Cơ sở sản xuất bánh tráng Ba Riêm (khu phố Phú Trường - thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc) đã tăng mức nguyên liệu chế biến từ 800 kg gạo lên khoảng 1 tấn gạo/ngày. Được sản xuất bằng máy, song Cơ sở sản xuất bánh tráng Ba Riêm cũng cần 15 lao động tham gia vào các công đoạn chế biến. Bà Lương Thị Riêm - chủ cơ sở này cho biết đang tập trung đẩy mạnh sản xuất các loại bánh tráng cuốn chả (trắng mỏng, không mè), bánh tráng cuốn thức ăn (măng kho, thịt luộc, cá hấp…).
Cùng địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, Cơ sở sản xuất bánh tráng Năm Huệ (thôn Thắng Hiệp, xã Hàm Thắng) cũng đang tất bật đóng gói bao bì với sản phẩm chủ lực là bánh tráng mè nhằm phục vụ thị trường dịp tết. Theo đại diện cơ sở này thì hiện mỗi ngày sử dụng nguyên liệu khoảng 200 kg gạo và giải quyết việc làm cho 5 lao động, sản phẩm làm ra được bán đến chợ truyền thống, tiệm tạp hóa trong lẫn ngoài tỉnh. Bước vào đầu tháng chạp, Cơ sở sản xuất bánh tráng Năm Huệ tăng cường cung ứng sản phẩm cho các đầu mối, qua đó kịp thời phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày tết.
Còn tại làng nghề bánh tráng Chợ Lầu - huyện Bắc Bình, nhiều hộ gia đình nơi đây vẫn lưu giữ nghề truyền thống bằng phương pháp chế biến thủ công với quy mô nhỏ lẻ, được các đại lý trong vùng thu mua tiêu thụ… Chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hộ ông Trương Đình Tuấn (khu phố Xuân An 1, thị trấn Chợ Lầu) đã luôn tay tráng bánh từ 4 giờ sáng đến 4 giờ chiều, trong khi ngày thường chỉ diễn ra vào buổi sáng. Thế nên mức nguyên liệu chế biến cũng tăng từ 20 - 25 kg gạo lên 30 - 35 kg gạo/ngày, tương ứng với 700 - 800 bánh tráng mỏng hoặc 300 - 400 bánh tráng dày. Ngoài hai vợ chồng đảm nhận các công đoạn chính, vụ tết năm nay hộ ông Trương Đình Tuấn còn tạo việc làm cho 1 lao động địa phương với thu nhập 200.000 đồng/ngày.
Theo cảm nhận của các cơ sở sản xuất, hộ gia đình tham gia chế biến bánh tráng tại địa phương thì thị trường năm nay kém sôi động do ảnh hưởng tình hình kinh tế khó khăn chung. Tuy nhiên, kỳ vọng sức tiêu thụ sẽ tăng lên trong đợt cao điểm mua sắm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bởi bánh tráng cũng là món phổ biến không thể thiếu của nhiều gia đình, đặc biệt là vào những ngày xuân mới khi mọi người quây quần bên nhau…