Đánh bắt cá bằng xung điện: Hậu quả và tác hại

29/11/2023, 05:15

Thời điểm này khi mực nước ở các ao, hồ, sông, suối đã xuống thấp, đây là điều kiện kiện thuận lợi cho một số người dân sử dụng xung điện để đánh bắt cá. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn rất nguy hiểm đến tính mạng nhưng nhiều người vẫn bất chấp.

Hồ Biển Lạc của huyện Tánh Linh rộng lớn. Nơi này là điều kiện rất tốt không chỉ cho các loại cá, tôm phát triển tự nhiên mà còn là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Thế nhưng, thời gian gần đây, nguồn cá tự nhiên trên hồ Biển Lạc đang ngày một cạn kiệt. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do nạn dùng bình điện để đánh bắt cá.

z4910286678698_ad818a6095598dd96f0e8393cf4f5ee4.jpg

Ông Đinh Ngọc Bền, thôn 2, xã Gia An có hơn 20 năm làm nghề nuôi cá lồng bè trên hồ Biển Lạc cho biết: Các năm trước đây tình trạng một số người dân sử dụng xung điện đánh bắt cá tự nhiên trên hồ Biển Lạc cũng có, nhưng thời gian gần đây không chỉ người dân trong huyện mà người dân ngoài huyện cũng đến đây kích cá. Mỗi ngày có cả chục ghe máy kích điện. Mỗi ghe sử dụng 2 bình điện lớn, kích cả ngày cũng chưa hết điện. Đứng cách xa cả 100m vẫn nghe tiếng hú của điện phát ra. Khi họ dí điện xuống nước thì không chỉ các loại cá, tôm mà cả những động vật ở gần đó đều bị tiêu diệt. Những con cá may mắn thoát chết cũng bị thương tật không phát triển được. Cá nuôi trong lồng bè của ông cũng bị ảnh hưởng.

z4910286653188_ecd320cdc14127e0e65c4bc0350ad63f.jpg

Tại các sông, suối ở tận các khu vực núi cao, rừng cao su… người kích điện bắt cá cũng nhan nhãn. Họ ngang nhiên kích điện bắt cá mà chẳng quan tâm đến bất kỳ ai. Khi hỏi họ vô tư trả lời: Tranh thủ lúc rảnh rỗi đi kích điện kiếm cá về cải thiện bữa ăn, hôm nào nhiều thì bán kiếm tiền…

Theo ghi nhận, khi nghe tiếng hú phát ra là lúc dòng điện xuyên qua nước, bất kể sinh vật nào ở trong vùng điện đều bị bắn mình lên và ngửa bụng lên, cứng đơ trôi theo dòng nước. Họ dùng vợt hoặc bắt bằng tay các loại cá, cua cho vào cái bao hoặc cái rộng mang theo trên người. Không chỉ kích điện ban ngày mà ban đêm họ cũng rong ruổi ở các sông suối, ao, hồ để bắt cá. Cá bắt được thì đủ loại như lóc, trê, trắng… và cả lươn, rắn, rùa. Mỗi lần đi kích điện họ bắt từ vài kg đến cả chục kg cá các loại từ nhỏ đến to. Người kích điện cũng nhiều mà người mua cá cũng không hề ít. Bởi vì đây là cá tự nhiên, khi đem ra chợ bán người tiêu dùng thích ăn hơn dù giá tiền có cao hơn so với các loại cá nuôi.

Việc sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản gây ra nhiều hậu quả, tác hại như: Làm chết hàng loạt các loài thủy sản, thủy sinh trong vùng nước; những thủy sản bị nhiễm điện còn sống sót sẽ không phát triển được và mất luôn khả năng sinh sản, trứng và ấu trùng cũng bị hủy diệt hoàn toàn. Đánh bắt thủy sản bằng xung điện là một cách khai thác theo kiểu “tận diệt” các nguồn lợi thủy sản, để lại nhiều hậu quả. Phải mất nhiều năm mới phục hồi môi trường thủy sinh. Ngoài ra, việc sử dụng xung điện khai thác thủy sản còn trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng, thậm chí dẫn đến chết người bởi chỉ cần một chút bất cẩn là xảy ra hậu quả khôn lường.

Thực tế, hàng năm các địa phương trên địa bàn huyện Tánh Linh tuyên truyền, thông báo về việc cấm đánh bắt bằng xung điện, chất nổ… để nhân dân được biết. Ngành chức năng cũng có bắt, tịch thu, xử phạt hành chính nhiều trường hợp, thế nhưng nhiều người dân vì cuộc sống mưu sinh vẫn bất chấp sử dụng xung điện để đánh bắt cá. Tài nguyên thủy sản sẽ cạn kiệt, những giống loài quý hiếm sẽ bị tiêu diệt và môi trường sinh thái sẽ biến đổi theo. Đây là hệ lụy tất yếu nếu ngành chức năng, các địa phương không ngăn chặn triệt để tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện rất nguy hại này.

NGỌC KHÁNH

Related articles
Tìm nạn nhân trên tàu cá bị tàu hàng đâm chìm
Gia đình của thuyền viên tàu cá La Gi bị tàu hàng đâm chìm khuya 22/11 còn mất tích mong được tìm được nạn nhân.

(1) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đánh bắt cá bằng xung điện: Hậu quả và tác hại