Quảng Nam: Chưa giải ngân hết vốn khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022

26/10/2023, 15:27

Nhiều công trình khôi phục cơ sở hạ tầng, khôi phục sản xuất sau thiên tai năm 2022 hiện thi công dở dang, người dân vùng lũ tiếp tục phải chịu ảnh hưởng hậu quả của bão lũ từ mùa trước nối mùa sau.

Theo đó, nhiều công trình khôi phục cơ sở hạ tầng, khôi phục sản xuất còn đang thi công dở dang, người dân vùng lũ tiếp tục phải chịu ảnh hưởng mùa trước nối mùa sau.

ttxvn_sua_chua_duong_quang_nam.jpg
Sửa chữa đường vào vùng sản xuất, trồng rừng nguyên liệu cho đồng bào xã Phước Thành, huyện Phước Sơn.

Những trận mưa lũ liên tiếp cuối năm 2020 - 2022 khiến các xã vùng cao Phước Thành, Phước Lộc, Phước Công, Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Giao thông về các xã vùng cao nói trên bị hư hại nặng vì sạt lở và vùi lấp, nhiều nơi bị gián đoạn. Do vậy, khôi phục các tuyến đường này là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Quảng Nam và huyện Phước Sơn nhằm đảm bảo đi lại, vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, ổn định đời sống và sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, mùa mưa bão năm 2023 đã diễn ra, song đường về các xã vùng cao Phước Sơn vẫn còn dang dở, đi lại hết sức khó khăn.

Nhiều lần kiểm tra, đôn đốc đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, khắc phục hư hại trên tuyến đường về các xã vùng cao nhưng các công trình này vẫn chậm hoàn thành, chưa thể đưa vào sử dụng. Ông Lê Quang Trung – Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, việc ổn định chỗ ở, tạo quỹ đất sản xuất, nỗ lực khôi phục tuyến đường liên xã, nhất là đường về các xã vùng sâu, vùng xa nhằm đảm bảo đi lại an toàn, góp phần khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho đồng bào là ưu tiên hàng đầu của địa phương sau mỗi mùa mưa bão.

Để thực hiện điều này, huyện Phước Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp như thi công đến đâu sẽ cho ứng vốn đến đó, bổ sung vốn kịp thời cho từng hạng mục, khối lượng; thực hiện điều chuyển vốn từ công trình chậm thi công sang công trình có khối lượng, tiêu thụ nguồn vốn tốt. Tuy nhiên, do việc giá cả vật tư, nhiên liệu tăng gần như gấp đôi trong năm 2023 đã khiến các đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải dừng hoạt động. Thêm vào đó, thời tiết bất lợi ở vùng miền núi cộng với các thủ tục đấu thầu phải qua nhiều khâu, tốn nhiều thời gian, khiến cho việc triển khai khôi phục tái thiết công trình bị chậm lại.

Sự chậm trễ khắc phục cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông do mưa lũ gây ra trong năm 2022 ở huyện Phước Sơn cũng là thực tế đang diễn ra tại hàng loạt địa phương ở tỉnh Quảng Nam. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam, các trận bão lũ cuối năm 2022 gây thiệt hại cho địa phương khoảng 4.900 tỷ đồng; trong đó, thiệt hại dân sinh và sản xuất khoảng 3.700 tỷ đồng, còn lại thiệt hại công trình hạ tầng kỹ thuật 1.200 tỷ đồng.

Sau mưa lũ, Quảng Nam được Trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Cùng đó, tỉnh cũng trích ngân sách của địa phương gần 80,5 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại cơ sở hạ tầng, hỗ trợ dân sinh và khôi phục sản xuất. Đồng thời, tỉnh phân bố gần 88,7 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách tỉnh để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.

Tuy nhiên, đến nay, khi mùa mưa lũ năm 2023 đã diễn ra, vì nhiều lý do khác nhau, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho Quảng Nam khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2022 mới giải ngân đạt 31,5%. Nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương khắc phục thiệt hại cơ sở hạ tầng, hỗ trợ dân sinh và khôi phục sản xuất giải ngân đạt 33,5%. Trong khi đó nguồn vốn được tỉnh Quảng Nam phân bổ từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2022 chuyển sang năm 2023 gần 88,7 tỷ đồng nhưng mới chỉ giải ngân được 20 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,22%.

Theo Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam Trương Xuân Tý, nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ dân sinh giải ngân chậm là do khâu rà soát đối tượng, niêm yết, thẩm định phê duyệt cần có thời gian theo quy định. Đối với nguồn kinh phí hỗ trợ để khắc phục thiệt hại về kết cấu hạ tầng (nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ), phân bổ, giải ngân chậm do việc lập, thẩm định, trình phê duyệt chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công với quy định của pháp luật về đấu thầu cũng mất nhiều thời gian.

Đối với danh mục công trình thuộc nguồn tiết kiệm chi ngân sách tỉnh, gần 88,7 tỷ đồng, hiện nay, các chủ đầu tư đang lập thủ tục hồ sơ đầu tư để triển khai trong năm 2023. Tuy nhiên, do việc lập, thẩm định, các bước chuẩn bị cần nhiều thời gian nên việc đầu tư xây dựng công trình trong quý IV/2023 là khó khả thi.

Trước thực tế nguồn vốn đầu tư cho việc khắc phục hậu quả thiên tai giải ngân đạt thấp, công trình bị hư hại chậm được sửa chữa để đưa vào sử dụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu yêu cầu các đơn vị, địa phương được giao vốn khẩn trương giải ngân kế hoạch vốn, nhất là nguồn vốn ngân sách Trung ương; chú trọng tập trung hỗ trợ công tác dân sinh để không bị mất vốn.

Thời điểm từ nay đến cuối năm, miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng đang vào mùa mưa lũ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực giải ngân.

H LAN (TỔNG HỢP)

Related articles
Việt Nam có bản đồ công nghệ thông tin truyền thông
Bản đồ công nghệ thông tin và truyền thông là công cụ hỗ trợ quản lý, dự báo, giúp đưa ra quyết định khi nghiên cứu phát triển công nghệ.

(0) Comments
Focus
Kính mời độc giả đón đọc báo in Bình Thuận hôm nay (5/11)
Tổ hợp tác sản xuất bánh tráng mì Thiện Nghiệp; Ngăn chặn hành vi tác động đến tài nguyên rừng; Hợp tác phát triển các KCN: Thu hút doanh nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh về Bình Thuận; Thân thương những nghề xưa cũ; Nguồn lực tài nguyên - tiềm năng lớn cho phát triển du lịch; Vũ điệu Chămpa… là những bài viết đáng chú ý trong số báo in xuất bản ngày 5/11/2024. Mời quý độc giả đón đọc.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quảng Nam: Chưa giải ngân hết vốn khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022