Trong không khí rộn ràng, bà con người Chăm ở các huyện chia thành các đội tham gia thi giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật, thi thổi kèn Saranai, trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng để dâng tế nữ thần Pô Sah Inư.
Đồng thời, biểu diễn làm bánh gừng và nặn đồ gốm, dệt vải - đây là nghề thủ công truyền thống của đồng bào Chăm vẫn còn được lưu giữ.
Tại chân tháp chính, chiều cùng ngày, các chức sắc tôn giáo Chăm Bàni và Chăm Bàlamôn huyện Hàm Thuận Bắc đã thực hiện các nghi lễ cúng cầu an.
Phần lễ và phần hội diễn ra hài hòa, gắn kết tạo nên không khí vừa mang nét trang nghiêm, vừa vui tươi, lành mạnh.
Lễ hội Katê diễn ra vào đầu tháng 7 Chăm lịch, là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của người Chăm; phản ánh nhiều khía cạnh văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật liên quan đến sinh hoạt và đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào Chăm.
Lễ hội Katê thể hiện sự thành kính và biết ơn công lao của các vị thần linh, ông bà, tổ tiên đã tạo dựng, bảo bọc, chở che cho con cháu khỏe mạnh, cuộc sống bình an, no ấm, hạnh phúc; thể hiện khát vọng của cộng đồng luôn cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời biểu hiện mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tinh thần hòa hợp để gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau.
Ngày mai, 14/10 sẽ diễn ra chương trình khai mạc và thực hiện nghi lễ Nghinh rước y trang nữ thần Po Sah Inư lên tháp chính.