Cần có giải pháp căn cơ về dạy thêm, học thêm

20/09/2023, 06:27

Chuyện dạy thêm, học thêm không phải là vấn đề quá xa lạ mà là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi” và nhận được sự quan tâm của dư luận, phụ huynh, nhất là đầu năm học mới.

Mới đầu năm học mới 2023-2024 nhưng sau giờ tan trường không khó để nhận ra hình ảnh của nhiều phụ huynh, học sinh tất bật, hối hả chạy “sô” học thêm tại nhà cô giáo, trung tâm vào buổi tối và cả ngày nghỉ. Chị Hà có hai con học lớp 2 và lớp 5 tại một trường tiểu học trên địa bàn TP. Phan Thiết. Như thường lệ, trước 16 giờ 30 phút chị Hà đã có mặt tại cổng trường để đón hai con. Tay xách nách mang, chị Hà vội vàng chở hai con ra quán ăn tạm bữa chiều để kịp đưa con lớp 2 đến nhà cô giáo học thêm và con lớp 5 đến trung tâm học tiếng Anh. Buổi học thêm của các con bắt đầu từ 17g30 phút và kết thúc vào lúc 19 giờ 30 phút. Theo chị Hà, các con chị chủ yếu học 3 môn chính tiếng Việt, toán, tiếng Anh nên sau giờ tan trường ngày nào các con cũng kín lịch học thêm. Chị Hà than phiền: “Mới đầu năm học nhưng vừa chở con đi học ở trường vừa chở đi học thêm. Một ngày đi mấy vòng tôi cảm thấy đuối sức mà tụi nhỏ cũng không có thời gian để vui chơi. Chưa kể mỗi tháng phải chi trả tiền học thêm cho hai con hơn 2 triệu đồng nữa nên kinh tế gia đình cũng giảm đáng kể. Biết vậy nhưng tâm lý của phụ huynh nếu không cho con đi học thêm thì sợ không nắm vững kiến thức, con thua bạn bè”.

40b2029c-f8e1-40e8-b8df-1fbce717a821.jpeg
Học sinh thảo luận bài.

Tương tự, chị Vân có con học lớp 6 tại Trường THCS NT (TP. Phan Thiết) cho biết, mới vào học được 1 tuần là giáo viên giới thiệu về lớp dạy thêm môn văn của mình trước lớp và gợi ý để học sinh đăng ký. Thấy vậy tôi cũng đăng ký cho con học thêm tại nhà cô giáo vì sợ rằng nếu không đi con sẽ không theo được các bạn, nhất là ở môn văn, phần khác tôi cũng sợ cô giáo làm khó con”. Cũng theo phản ánh của nhiều phụ huynh, hiện tại các trường học trong tỉnh đã triển khai họp phụ huynh đầu năm học. Trong đó, nhiều trường triển khai việc dạy thêm, học thêm dưới nhiều hình thức đăng ký tự nguyện như học phụ đạo, dạy tiếng Anh tăng cường... Điều này đã khiến phụ huynh, dư luận xã hội bức xúc.

Chuyện dạy thêm, học thêm không phải là vấn đề quá xa lạ mà là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi” và nhận được sự quan tâm của dư luận, phụ huynh, nhất là đầu năm học mới. Có người cho rằng, hiện nay việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật, là quy luật cung - cầu hiển nhiên của hiện thực xã hội đã và đang diễn ra hàng giờ, hàng ngày. Phụ huynh muốn cho con đi học để nâng cao thành tích, giáo viên dạy thêm để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc dạy thêm ngày càng méo mó và cần có những giải pháp căn cơ và đồng bộ để “trị tận gốc”. Theo thực tế, hiện nay đa số phụ huynh đều rất bất bình về "vấn nạn" dạy thêm - học thêm, tuy nhiên rất ít người dám lên tiếng phản đối. Vấn nạn dạy thêm – học thêm gây ra hệ lụy rất lớn cho gia đình và xã hội, làm cho con em bị quá tải dẫn đến mất cân bằng giữa việc học hành, nghỉ ngơi, vui chơi; làm cho gia đình bị xáo trộn thời gian sinh hoạt và nghỉ ngơi. Ngoài ra, còn phải kể đến việc thu nhập gia đình bị giảm sút đáng kể cho việc đóng học phí học thêm.

Mặc dù thời gian qua ngành giáo dục tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy tình trạng vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm còn xảy ra nhiều; công tác kiểm tra chưa thường xuyên, biện pháp xử lý thiếu kiên quyết. Thiết nghĩ, việc quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục mà còn có trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Vì thế, trước tiên, để quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và đào tạo, các nhà trường với các cấp chính quyền để tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi giáo viên, nâng cao hiểu biết của mỗi gia đình và học sinh về dạy thêm, học thêm. Mặt khác, cần nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, học tập, công tác quản lý ở mỗi nhà trường. Có như vậy, việc dạy thêm, học thêm không còn là "vấn nạn" của xã hội.  

THANH THUỶ

Related articles
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh dân tộc thiểu số
Những năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT) tỉnh đã thực hiện tốt chính sách giáo dục dân tộc, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh dân tộc thiểu số trong tỉnh.

(1) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần có giải pháp căn cơ về dạy thêm, học thêm