Vụ cháy chung cư mini xảy ra rạng sáng 13/9, tại ngôi nhà 10 tầng có diện tích 200 m2, ở số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội nơi có khoảng 150 người dân sinh sống, phần lớn là người thuê trọ gây hoang mang đối với người dân sống xung quanh. Ngay sau khi vụ cháy xảy ra lực lượng chức năng đã cứu được 70 người, đưa 54 người đi cấp cứu trong đêm. Đám cháy đã được khống chế, nhưng công tác tìm kiếm các nạn nhân chưa kết thúc do hiện trường phức tạp nằm trong ngõ sâu, công tác cứu hỏa gặp rất nhiều khó khăn. Xe chữa cháy chỉ có thể đỗ cách hiện trường từ 300 đến 400m để dẫn vòi rồng vào ngõ sâu dập lửa. Số người thương vong đến thời điểm này vẫn chưa thể xác định chính xác và nguyên nhân cháy vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Trước đó vào ngày 31/8/2023, tại tiệm sửa xe máy của gia đình ông Tạ Văn Hưng, ở thôn Trung Tài, xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết xảy ra vụ cháy đã được Công an TP. Phan Thiết và Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh khống chế thành công nhưng đã có 2 người tử vong tại chỗ, 2 người khác tử vong sau thời gian cấp cứu tại bệnh viện.
Tại Bình Thuận, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), song công tác PCCC tại nhiều nơi trong tỉnh vẫn còn không ít hạn chế, có nơi chưa quan tâm đúng mức. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy, có vụ gây thiệt hại lớn. Để chủ động phòng ngừa, ứng phó và ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ cháy, hạn chế thấp nhất số vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh, từng cơ quan, đơn vị, địa phương đã xác định công tác PCCC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên gắn với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình. Hàng năm đã chủ động đề ra chương trình, kế hoạch lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ PCCC. Nhưng điều đặc biệt quan trọng trong công tác PCCC hiện nay là ý thức của người dân để hạn chế cháy nổ xảy ra trên địa bàn dân cư cũng như nơi làm việc và sản xuất.
Bởi lẽ, trong những năn gần đây, tình hình cháy nổ diễn ra trên địa bàn tỉnh, nguyên nhân chủ yếu thường xuất phát từ các sự cố điện gia đình, nhà xưởng. Nguyên nhân nữa là do tâm lý chủ quan của mọi người trong việc sử dụng điện an toàn như không ngắt điện tivi, tủ lạnh, máy giặt, quạt máy… trước khi rời khỏi nhà. Thắp nhang thờ cúng, đốt vàng mã nhưng không chú ý kỹ khu vực xung quanh, khiến nhang đèn rớt xuống, gặp vật dễ cháy, bùng phát thành ngọn lửa lớn. Bắt nguồn từ thiết bị nhà bếp, đặc biệt là bếp gas. Chủ yếu do người trong nhà không khóa van bình chứa khí gas khi không đun nấu, hoặc tắt bếp không đúng quy trình khiến khí gas bị dồn nén, tích tụ dẫn đến phát nổ.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật phòng cháy và chữa cháy mỗi người dân hãy tích cực tìm hiểu kiến thức, pháp luật về PCCC – CNCH, nắm vững những mối nguy hiểm về cháy, nổ tại nơi làm việc, nơi ở và các biện pháp phòng ngừa. Thường xuyên chú trọng việc quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất dễ cháy khác ở mọi lúc, mọi nơi, biết cách xử lý kịp thời khi có cháy xảy ra. Thường xuyên tự kiểm tra công tác PCCC, phát hiện và khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về PCCC tại cơ sở để hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho mọi người.