Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương, có các đồng chí: Nguyễn Quang Dương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phạm Tất Thắng - Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam…
Dự tại điểm cầu Bình Thuận có ông Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đào Xuân Nay – Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và cán bộ Hội Người cao tuổi các xã, phường trên địa bàn TP. Phan Thiết.
Tại hội nghị, lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương đã thông tin Kết luận số 58/2023 của Ban Bí thư về tổ chức, hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam. Theo đó, qua 10 năm thực hiện mô hình thí điểm Hội Người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cấp ủy, tổ chức Đảng, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện thí điểm đạt kết quả tích cực.
Công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với việc bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi được tăng cường. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và xã hội về vị trí của hội người cao tuổi được nâng cao. Tổ chức bộ máy, cán bộ hội viên được củng cố, kiện toàn, thực hiện tốt hơn vai trò người đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người cao tuổi; động viên người cao tuổi chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình, cộng đồng dân tộc.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, xây dựng Hội Người cao tuổi Việt Nam đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với Hội Người cao tuổi Việt Nam và công tác người cao tuổi. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật phù hợp với chất lượng dân số, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng và tốc độ già hóa dân số. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi…
Đặc biệt, Kết luận số 58 cũng nêu rõ việc đồng ý chủ trương xây dựng tổ chức hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện. Căn cứ nhu cầu, tình hình, điều kiện thực tế, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương xem xét việc thành lập Hội Người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện và quyết định số biên chế làm việc trong biên chế của địa phương; tạo điều kiện để hội hoạt động hiệu quả.
Tại hội nghị, đại biểu các điểm cầu đã tham gia phát biểu chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai mô hình Hội Người cao tuổi, nêu rõ những khó khăn, hạn chế, vướng mắc. Đồng thời kiến nghị những giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Hội.
Bế mạc hội nghị, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện chuyển đổi mô hình Hội Người cao tuổi phù hợp với thực tiễn địa phương. Đồng thời, mong muốn các bộ, ban, ngành Trung ương cũng như các địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác người cao tuổi, qua đó góp phần phát huy vai trò, vị thế của người cao tuổi trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Tại Bình Thuận, hiện nay tổ chức Hội Người cao tuổi gồm Ban Đại diện cấp tỉnh và 10/10 Ban Đại diện cấp huyện, 124/124 Hội Người cao tuổi cấp xã, 701 chi hội thôn – khu phố và 2.846 tổ hội thuộc chi hội, với 97.524 hội viên/101.000 người cao tuổi. Trong những năm qua, các cấp Hội Người cao tuổi trong tỉnh đã làm tốt vai trò cầu nối hướng dẫn hoạt động công tác hội từ tỉnh đến cơ sở. Phát huy hiệu quả các hoạt động, làm tốt công tác từ thiện, xã hội và có nhiều đóng góp chung cho sự phát triển của địa phương.