Đổi mới giáo dục toàn diện: Cơ hội và thách thức. Bài 1

05/09/2023, 05:28

Trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn xem con người là nhân tố có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định sự thành công của cách mạng. Tư tưởng xuyên suốt của Đảng là không ngừng đổi mới giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nhằm bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (gọi Nghị quyết 29), trong 10 năm qua (2013 - 2023) mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo tỉnh nhà. Những kết quả đạt được bước đầu mang tính đổi mới, đột phá góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển thời kỳ đổi mới.

Bài 1: Ngôi trường đi đầu 4.0 ở huyện đảo

Trường THPT Ngô Quyền (huyện đảo Phú Quý) được tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị điển hình về triển khai các mô hình, cách làm hiệu quả trong thực hiện đổi mới giáo dục. Đặc biệt, đây là trường THPT công lập đầu tiên của tỉnh đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành trường học từ nhiều năm trước, đáp ứng yêu cầu công tác đổi mới dạy học, quản lý giáo dục.

Môi trường dạy học hiện đại

Dù cách xa đất liền 56 hải lý (120 km) nhưng môi trường dạy học ở Trường THPT Ngô Quyền (huyện Phú Quý) rất hiện đại, đầy đủ trang thiết bị không thua kém các trường học ở trung tâm thành phố. Với hệ thống phòng học toàn trường được gắn tivi màn hình lớn, kết nối internet và camera an ninh. Học sinh được sử dụng điện thoại để tham gia học tập theo yêu cầu của giáo viên và được tài trợ gói dữ liệu 4G với lưu lượng cao, chi phí rất thấp. Chính nhờ được trang bị kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin nên khi dịch Covid-19 bùng phát đợt đầu vào năm 2020, nhà trường vẫn luôn chủ động trong các khâu liên lạc với phụ huynh học sinh và tổ chức dạy học trực tuyến thay cho trực tiếp khi có chủ trương tạm dừng đến trường, không dừng học.

7baa22a5-a4a8-4ba2-907d-40664d76adf3.jpeg
Ứng dụng công nghệ thông tin vào sân chơi trí tuệ cho học sinh.
c33404a5-a244-4989-8f79-61c1ca9b7445.jpeg
Trường THPT Ngô Quyền ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học.

Thời điểm ấy, từ giáo viên đến học sinh đều rất sẵn sàng cho việc học trực tuyến, đặc biệt là kinh nghiệm biên soạn giáo án điện tử thuần thục và phong phú của nhiều giáo viên đã giúp cho các tiết học trực tuyến trong những ngày xảy ra đại dịch luôn sinh động. Em Nguyễn Mạnh Tường – học sinh Trường THPT Ngô Quyền chia sẻ: “Giáo viên của trường luôn chủ động áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, nhất là xây dựng những bài giảng Powerpoint, trò chơi giải đố kết hợp ôn kiến thức. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa được xây dựng đa dạng và đặc biệt luôn kèm theo các hình ảnh video thuyết trình bắt mắt, sinh động tạo những buổi học hứng thú, hiệu quả cho học sinh. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, nhà trường đã có những biện pháp thay thế gặp gỡ trực tiếp bằng những công cụ trực tuyến như Zoom, Team giúp thầy cô và học sinh luôn giữ được kết nối”. Nhờ vậy, dù 3 năm học THPT thì có 2 năm ảnh hưởng dịch Covid - 19 nhưng những thế hệ học sinh như em Tường vẫn được tiếp cận kiến thức đầy đủ, nhất là khi tốt nghiệp các em đã được trang bị đầy đủ những kiến thức nền tảng vững chắc về công nghệ để hòa nhập tốt với điều kiện mới.

d8c2376d-35d7-40a6-925d-0b82d5e63ca3.jpeg
Giáo viên chia sẻ công nghệ thông tin trong dạy học.

Ngôi trường đi đầu 4.0

Xác định áp dụng công nghệ thông tin vào trong môi trường giáo dục là một yêu cầu cấp thiết, vừa để đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại, vừa giúp khai thác và phát huy nền tảng trí tuệ hiện đại của nhân loại nhằm giúp cho hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao hơn. Để làm được điều đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Ngô Quyền luôn tâm huyết, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu ra các giải pháp hữu ích nhất để áp dụng vào công tác quản lý, giảng dạy. Đặc biệt, trường đã sáng kiến ra giải pháp “Ứng dụng Microsoft Office 365 trong quản lý trường học”. Giải pháp này được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận sáng kiến loại B ngày 21/8/2020; Hội đồng Khoa học, sáng kiến tỉnh Bình Thuận đánh giá, công nhận đạt hiệu quả cao (loại B) và có phạm vi ảnh hưởng toàn tỉnh năm 2021.

Thầy Lê Quang Trọng – Phó Hiệu trưởng cho biết: Trường THPT Ngô Quyền là ngôi trường đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được Microsoft cấp quyền tự tạo và quản trị hệ thống Office 365 Education cho nội bộ trường với 10.000 tài khoản được cho phép vào tháng 10/2019. Dung lượng lưu trữ đám mây cho mỗi tài khoản là 1024 GB (1TB). Bên cạnh tài khoản lưu trữ đám mây dung lượng lớn do Microsoft cấp, tất cả giáo viên nhà trường còn được sở hữu 1 tài khoản lưu trữ đám mây không giới hạn dung lượng của Google. Với tiền đề đó, tất cả giáo viên và học sinh toàn trường đang được trải nghiệm một hệ sinh thái phong phú, chuyên nghiệp cho công việc quản trị nhà trường và tổ chức hoạt động dạy - học”.

Theo thầy Trọng, với điều kiện thuận lợi đó khi ứng dụng giải pháp Microsoft Office 365 vào công tác hiện đại hóa quản lý trường học, đã giúp nhà trường xây dựng không gian lưu trữ điện toán đám mây OneDrive; số hóa toàn bộ dữ liệu trường học trên OneNote; số hóa không gian lớp học, trường học trực tuyến qua ứng dụng Microsoft Teams; xây dựng trang thông tin nội bộ bằng SharePoint; giao và kiểm soát công việc bằng ứng dụng Planner và To Do... Cùng với các ứng dụng của Office 365 hiện có, kết hợp với mạng xã hội như Facebook, Zalo và ứng dụng quản lý nhà trường VnEdu, mọi hoạt động của nhà trường đã được quản lý, duy trì một cách toàn diện trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Rút ngắn khoảng cách để phát triển

Với giải pháp này, học sinh nhà trường được hướng dẫn, tổ chức học tập, cộng tác trên nền tảng công nghệ hiện đại. Hệ thống sổ sách nhà trường từ ngày thành lập đã được số hóa qua ứng dụng Onenote. Nhờ đó, dù ở bất cứ đâu, chỉ cần có điện thoại kết nối internet, mọi thành viên đều có thể truy xuất dữ liệu của cá nhân mình và nhà trường từ những năm trước một cách dễ dàng. Các loại sổ sách nhà trường như báo giảng, sổ chủ nhiệm, sổ quản lý thiết bị… trước kia phải thiết lập và lưu trữ thủ công, khó khăn trích xuất và tham khảo thì nay đã được số hóa để giáo viên có thể thao tác ở bất kỳ không gian nào. Với việc đa dạng không gian trường lớp, công tác tổ chức hoạt động của nhà trường được tăng cường tính chủ động. Do đó, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động hội họp, giảng dạy của nhà trường vẫn được duy trì một cách thông suốt. Đặc biệt hơn, trong điều kiện địa lý xa đất liền, giải pháp này đã làm cho đội ngũ giáo viên và học sinh nhà trường tiếp cận, giao lưu và học tập với bạn bè, đồng nghiệp ở đất liền, ở nước ngoài không gặp nhiều trở ngại như trước đây. “Giải pháp “Ứng dụng Microsoft Office 365 trong quản lý trường học” không chỉ được ứng dụng thực tế để hiện đại hóa các hoạt động tại Trường THPT Ngô Quyền mà còn được nhà trường chia sẻ và hỗ trợ công tác số hóa hồ sơ tại các trường khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (Trường THPT Bùi Thị Xuân, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Thế Vinh, Trường Chính trị tỉnh...) và một số trường của các tỉnh khác (Trường THPT Mai Sơn (Sơn La), THCS Đông La (Hà Nội)”, thầy Trọng cho biết thêm.

Có thể thấy, nhờ chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục và giảng dạy, dù là một trường học ở đảo xa, Trường THPT Ngô Quyền đã rút ngắn khoảng cách địa lý để tiếp cận với những điều kiện học tập tiên tiến, hiện đại để phát triển gần hơn với các trường bạn ở đất liền.

Bài 2: Phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp

Bài 3: Vượt thách thức phát triển bền vững

THANH THUỶ

Related articles
Tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
BTO-Chiều 18/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Tham dự còn có các đồng chí: Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

(1) Comments
Focus
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận:
Đề nghị xem xét bố trí ga Phan Rí tại huyện Bắc Bình là ga lưỡng dụng
BTO-Sáng nay 13/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận các nội dung: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đổi mới giáo dục toàn diện: Cơ hội và thách thức. Bài 1