Tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

18/08/2023, 20:14

BTO-Chiều 18/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Tham dự còn có các đồng chí: Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tại điểm cầu Bình Thuận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh và Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng chủ trì hội nghị…

img_5345.jpg
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Thuận

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm học 2022 - 2023 ngành giáo dục khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra. Đây là năm học đầu tiên ngành giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn tiếng Anh, tin học theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 đối với lớp 3 và triển khai chương trình GDPT đối với cấp trung học phổ thông. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi, kỳ thi khu vực và quốc tế. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).

Bên cạnh đó, tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định. Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các địa phương tuyển dụng 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022 – 2026. Cùng với đó, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học…

ng-trai.jpg
Giáo dục thể chất trong trường học tại Bình Thuận

Riêng tại Bình Thuận, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ đã đi vào nề nếp và có nhiều chuyển biến, tạo được uy tín đối với các bậc phụ huynh. 100% các trường, nhóm, lớp mầm non đều thực hiện chương trình giáo dục mầm non sau chỉnh sửa. Tỷ lệ học sinh bỏ học năm học 2022 - 2023 toàn tỉnh 0,23% (554 học sinh), giảm 0,16%. Các nhà trường chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Thực hiện chủ đề năm học 2023 - 2024 là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục, đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng GDĐT”, ngành giáo dục đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm, như hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số…

Tại hội nghị, các tỉnh, thành đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác quản lý, đào tạo. Đồng thời chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong công tác giáo dục, nhất là chế độ tuyển dụng giáo viên, nhân viên ở vùng dân tộc, miền núi; có phương án nâng chế độ tiền lương kèm theo điều chỉnh giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo việc bậc mầm non, tiểu học…

gddt.-thu-tuong-pham-minh-chinh.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, GDĐT là lĩnh vực quan trọng, quyết định chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ chiến lược xây dựng và phát triển đất nước. Vì thế yêu cầu toàn ngành giáo dục, các bộ, ngành, địa phương quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, huy động các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy sự nghiệp GDĐT nước nhà. Kiên quyết ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập học đường, khắc phục bằng được tình trạng bạo lực học đường, bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh trong mọi hoàn cảnh. Về sách giáo khoa cần đổi mới nhưng phải bảo đảm chuẩn mực, có tính ổn định, phát triển.

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành và toàn ngành giáo dục tiếp tục tập trung rà soát, bổ sung kịp thời cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục. Thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp; khẩn trương ban hành các chiến lược quy hoạch trong giai đoạn mới. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện phát triển Chương trình GDPT năm 2018 phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Bổ sung chế độ, chính sách đãi ngộ, quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục…

THÙY LINH

Related articles
Giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật cho học sinh đi vào thực chất
Giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật trong trường học có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm tác động, lôi kéo tham gia các tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trong môi trường học đường.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo