Đến dự có ông Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, sở, ban, ngành, đoàn thể; Thường trực các Huyện, Thị, Thành uỷ và 130 đại biểu nạn nhân da cam tiêu biểu, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Hiện tổng số nạn nhân chất độc da cam trong toàn tỉnh là 6.259 người, trong đó có gần 4.200 nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam là dân thường. Tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối chăm lo đời sống cho nạn nhân, Hội NNCĐDC/dioxin các cấp đã tích cực tuyên truyền, huy động các nguồn lực triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, các cấp Hội đã vận động nguồn lực cho Quỹ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân trên 3 tỷ đồng, đạt 101,6% chỉ tiêu năm. Từ nguồn quỹ đã triển khai công tác chăm lo, giúp đỡ, tặng quà, khám chữa bệnh cho hàng ngàn lượt nạn nhân trong toàn tỉnh.
Phát biểu phát động tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh nhấn mạnh: Xoa dịu “Nỗi đau da cam” là việc làm nhân đạo, là tiếng gọi của lương tri và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần có sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện tốt công tác giải quyết, khắc phục hậu quả chất độc hóa học da cam. Trong đó, cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức hội, đoàn thể trong tỉnh hiểu rõ thảm họa chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân nghèo, khó khăn và coi đây là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách cho nạn nhân theo quy định.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hóa việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều phương thức đa dạng, phong phú; tổ chức vận động nguồn lực trên tinh thần tự nguyện với tấm lòng hảo tâm của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để có điều kiện, trực tiếp chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam một cách tốt nhất…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh cũng chia sẻ: Đến với nạn nhân chất độc da cam là đến với nỗi đau tột cùng của con người, nhưng chính ở nơi đây, cho thấy “Thương người như thể thương thân”, “Uống nước nhớ nguồn” được thể hiện rõ nhất. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các cán bộ và nhân dân trong tỉnh, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh bằng tình thương và trách nhiệm hãy hưởng ứng tích cực hơn nữa phong trào, cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, có nhiều việc làm ý nghĩa, có nhiều sáng kiến vận động nguồn lực gây quỹ, nhiều phương thức chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam được tốt hơn.
Tại buổi lễ, bên cạnh các hoạt động văn nghệ, phim phóng sự kết quả hoạt động chăm sóc nạn nhân da cam và những tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên trong cuộc sống, Ban tổ chức đã trao tặng 40 suất quà cho nạn nhân da cam tiêu biểu, mỗi suất 1 triệu đồng gồm 500.000 đồng tiền quà và 500.000 đồng tiền mặt; 90 suất quà tặng cho nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất 500.000 đồng với tổng trị giá các phần quà là 85 triệu đồng.