Cách phòng trị sâu, bệnh hại trên cây dừa

31/07/2023, 05:12

Dừa xiêm dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng. Tuy nhiên, trong điều kiện thâm canh hiện nay, dừa bị nhiều loại sâu hại tấn công làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và sản lượng dừa.

Biện pháp với sâu đầu đen

Có hơn 150 loài sâu bệnh gây hại các bộ phận khác nhau như thân, lá, hoa, trái… trên cây dừa. Trong số 150 loài sâu này chỉ có một số loài gây hại trầm trọng và có thể làm chết cây dừa. Một số sâu hại chính gồm sâu đầu đen, kiến vương, đuông dừa, bọ dừa, sâu đục trái, bọ xít nâu, bọ vòi voi.

dua-sau-dau-den.jpg
Dừa Thiện Nghiệp bị sâu đầu đen tấn công

Trong tháng 7/2023, toàn xã Thiện Nghiệp (Phan Thiết) có 10,9 ha dừa trên 3 năm tuổi, đang cho trái của 18 hộ tại thôn Thiện Trung và Thiện Bình bị sâu đầu đen tấn công. Sâu này ăn hết phần diệp lục, làm tàu lá dừa xơ xác, có phân đùn lại trên tàu lá, ăn qua phần trái non. Đánh giá mức độ gây hại 80% trên 1 cây ở thôn Thiện Trung và 20% trên 1 cây ở thôn Thiện Bình. Xã Thiện Nghiệp hiện có 236 ha diện tích cây dừa.

Trước tình hình bị sâu hại như đề cập, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp TP. Phan Thiết tổ chức tập huấn biện pháp phòng trừ một số sâu bệnh hại chính trên cây dừa. Với sâu đầu đen gây hại cây dừa Thiện Nghiệp, người trồng cắt tỉa tàu lá hoặc lá chét của cây dừa bị sâu gây hại và tiêu hủy bằng cách đốt hoặc ngâm trong nước nhằm làm giảm mật số sâu hại. Đây là biện pháp quan trọng, hiệu quả, an toàn môi trường và cần thực hiện ngay khi phát hiện sâu đầu đen gây hại từ những lá già bên dưới. Bón phân cân đối, chia làm nhiều đợt bón. Hạn chế vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ phụ (cau, chuối…) và trái dừa bị nhiễm sâu đầu đen sang các vùng khác để hạn chế lây lan.

Bên cạnh đó, người trồng sử dụng thuốc trừ sâu sinh học hoạt chất Bacillus thuringiensis (Bt); phóng thích bọ đuôi kìm Chelisoches variegatus trên các vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen, với số lượng 10 - 20 con/cây; bảo tồn các loài thiên địch có sẵn trong tự nhiên như: kiến vàng, bọ xít bắt mồi, ong ký sinh… Hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật đăng ký phòng trừ sâu đầu đen hại dừa chưa có.

Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người trồng tạm thời sử dụng các hoạt chất Abamectin, Azadirachtin, Emamectin benzoate, Spinosad để phòng trừ sâu đầu đen hại cây dừa. Khi phát hiện sâu đầu đen gây hại, nếu vườn dừa bị gây hại nặng, cần cắt tỉa tiêu hủy tàu lá trước khi phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm giảm một số sâu hại, tăng khả năng tiếp xúc sâu non và tăng hiệu quả của thuốc. Với vườn dừa kết hợp chăn nuôi, một trong hai hoạt chất thuốc Spinetoram và Flubendiamide nên dùng, bởi được ghi nhận ít gây hại cho tôm, cá và vật nuôi.

Phòng trị 3 loại bệnh chính

Theo Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp TP. Phan Thiết, cây dừa có một số bệnh hại chính gồm bệnh đốm lá, bệnh thối đọt, nứt và rụng trái. Người trồng dừa phòng trị bệnh đốm lá bằng cách bố trí khoảng cách trồng hợp lý; bón phân đầy đủ và cân đối nhất là kali ở giai đoạn vườn ươm cây con sẽ giúp kháng bệnh và nhanh cho trái. Nếu cây dừa bệnh đốm lá nặng, thì phun thuốc hóa học như: Ridomyl, Novral… liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì.

Còn bệnh thối đọt do nấm Phytopthora Palmivora Bult gây ra; từ khi nấm xâm nhập vào đọt cây đến lúc chết đọt là khoảng 3-5 tháng. Vì vậy, thăm vườn thường xuyên, khi phát hiện cây bị nhiễm bệnh nhẹ, tiến hành phun ngay lên đọt bằng thuốc Ridomyl liều lượng khoảng 30g/bình 8 lít và phun liên tục 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày. Nếu có cây bị bệnh chết, thì gom tất cả các phần bệnh để đốt sạch tránh lây bệnh qua các cây dừa khác.

Tình trạng nứt, rụng trái dừa có thể do nấm Fusarium sp. tấn công, do thiếu kali, do thiếu nước hoặc ngập úng. Biện pháp phòng trị thích hợp phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ (canxi, kali) có thể giải quyết được các vấn đề về bệnh do nấm, nứt trái. Tăng cường lượng canxi nitrate sẽ giúp tăng sức đề kháng đáng kể cho cây trồng, góp phần phòng và hỗ trợ trị bệnh cho cây cũng như chống hiện tượng rụng, nứt trái.

TRANG MINH

Related articles
Làm gì để dừa Thiện Nghiệp xứng tầm với chất lượng?
Vị dừa Thiện Nghiệp ngọt thanh, cơm dừa dẻo mềm mang một dư vị rất riêng xứ biển, mà không hề lẫn vào vị dừa của bất cứ vùng nào khác. Tuy nhiên, giá trị dừa hiện nay chưa được nâng lên xứng tầm với chất lượng.

(2) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách phòng trị sâu, bệnh hại trên cây dừa