Theo đó, trung tâm hướng dẫn các hộ dân dọn sạch vườn để hạn chế nơi trú ngụ và đẻ trứng của bướm, cắt tỉa và tiêu hủy những tàu lá dừa bị sâu gây hại bằng cách đốt để tiêu diệt sâu, nhộng và trứng sâu, sử dụng một số thuốc trừ sâu như Diaphos, Actara... để phun phòng trừ sâu hại. Tuy nhiên, hiện một số hộ dân đang nuôi heo nái ở khu vực dưới tán dừa nên không thể phun thuốc trừ sâu trên những vườn dừa này. Nếu việc phòng trừ sâu gây hại không được triển khai đồng loạt, thì khả năng lây lan sang các vườn chưa bị gây hại là rất lớn.
Đồng thời, đề nghị UBND xã Thiện Nghiệp tiếp tục tuyên truyền các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen gây hại cây dừa theo hướng dẫn của trung tâm; theo dõi tình hình diễn biến sâu hại, báo cáo để trung tâm kịp thời xử lý, không để lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, trung tâm kiến nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với trung tâm hỗ trợ, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen gây hại trên cây dừa theo hướng sinh học, hiệu quả để giảm tác hại của sâu, giảm mức độ thiệt hại giúp người dân trồng dừa trên địa bàn xã Thiện Nghiệp yên tâm sản xuất.
Qua kiểm tra, tổng diện tích cây dừa trên tại xã Thiện Nghiệp là 236 ha. Trong đó, diện tích bị sâu gây hại là 10,9ha/18 hộ; tập trung trên địa bàn 2 thôn Thiện Trung và Thiện Bình. Các vườn dừa trên 3 năm tuổi, đã cho trái. Biểu hiện của cây dừa bị sâu gây hại là các lá dừa bị ăn hết phần diệp lục, tàu lá dừa xơ xác, có phân đùn lại trên các tàu lá dừa. Một số cây bị gây hại trên cả trái non.
Đặc điểm hình thái của sâu gây hại là có đầu màu đen, thân màu nâu sáng, có các sọc nâu chạy dọc cơ thể. Qua biểu hiện gây hại trên cây dừa và đặc điểm của sâu non, trung tâm nhận định cây dừa xiêm tại xã Thiện Nghiệp bị sâu đầu đen gây hại. Mức độ gây hại 80% trên cây ở thôn Thiện Trung và 20% trên cây ở thôn Thiện Bình.