Quyết liệt các giải pháp quản lý nợ thuế

28/06/2023, 08:13

Tỷ lệ nợ thuế trên tổng thu hiện nay vẫn còn cao so với chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao. Vì vậy, ngành Thuế tỉnh quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để siết chặt quản lý thu hồi nợ, hạn chế nợ đọng thuế.

Theo Phòng Quản lý nợ - Cưỡng chế nợ thuế, tính đến thời điểm cuối tháng 5/2023 tỷ lệ nợ đọng thuế vẫn còn cao với số tiền nợ thuế có khả năng thu trên địa bàn tỉnh là 1.447 tỷ đồng. Nguyên nhân do yếu tố khách quan từ nền kinh tế và yếu tố chủ quan của người nộp thuế chưa tích cực tuân thủ các quy định pháp luật về thuế. Để thực hiện nhiệm vụ đặt ra, thời gian qua, ngành Thuế luôn chú trọng xây dựng phương án xử lý, thu hồi nợ đọng thuế để có giải pháp thu, xử lý nợ hiệu quả, hợp lý; đảm bảo công tác quản lý, cưỡng chế, thu hồi nợ đọng được đồng bộ, nhất quán, đáp ứng mục tiêu công bằng xã hội giữa các đối tượng nộp thuế trong việc chấp hành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Các Chi cục thuế cũng theo dõi chặt chẽ các khoản nợ, thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để đôn đốc ngay từ khi nợ thuế mới phát sinh và thực hiện liên tục đến khi giảm nợ.

Tăng cường quản lý nợ thuế để đảm bảo công bằng xã hội giữa các đối tượng nộp thuế 

Từ đầu năm đến nay, Cục Thuế đã ban hành 169.768 lượt thông báo số tiền thuế nợ, ban hành 283 quyết định cưỡng chế nợ thuế với tổng số tiền 672 tỷ đồng; tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện khoanh nợ và thu hồi nợ đối với 15.990 người nộp thuế với tổng số tiền là 250 tỷ đồng và tham mưu UBND tỉnh ban hành 142 quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp với số tiền 49 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Cục Thuế tỉnh mặc dù cơ quan thuế đã quyết liệt đôn đốc và áp dụng các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định nhưng nợ thuế vẫn còn cao, chủ yếu rơi vào nhóm ngành bất động sản, dự án du lịch, hoạt động khai thác khoáng sản, xây dựng... Đồng thời, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế trong và ngoài nước, một số tập đoàn lớn đang đầu tư trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về tài chính, chiếm dụng vốn lẫn nhau hoặc mất khả năng thanh toán... dẫn đến phát sinh số tiền chậm nộp thuế ngày càng tăng.

Để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ công tác quản lý nợ năm 2023, Phòng Quản lý nợ - Cưỡng chế nợ thuế cho biết sẽ thực hiện rà soát, phân tích nguyên nhân nợ của từng người nộp thuế, phân loại nợ theo đúng tính chất nợ, hồ sơ phân loại nợ phải đảm bảo đầy đủ theo đúng hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ. Lập danh sách các doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nguyên nhân nợ, số tiền nợ, đặc biệt tập trung phân tích sâu về tình hình thực tế của người nộp thuế nhằm xác định các khoản nợ có thể và không thể thu hồi. Trên cơ sở đó có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế và áp dụng các biện pháp thu nợ phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo công bằng trong việc chấp hành pháp luật thuế.

Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý nợ thuế như: Phối hợp với cơ quan Tài nguyên Môi trường để xử lý các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với người nộp thuế chây ỳ nợ đọng thuế, cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định nhưng không thu hồi được nợ đọng thuế. Tăng cường các biện pháp phối hợp với Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng… trong việc thực hiện thu tiền nợ thuế; trích tiền từ tài khoản; phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế theo đúng quy định.

CÁT TƯỜNG

Related articles
Tập trung quản lý, thu hồi nợ thuế
Cục Thuế tỉnh cho biết, 6 tháng đầu năm ngành Thuế đã thu hồi được 322,5 tỷ đồng nợ đọng thuế nộp và ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy vậy, nợ thuế 6 tháng đầu năm vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu ngân sách.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyết liệt các giải pháp quản lý nợ thuế