Đảng lo “mạch sống” cho người dân vùng hạn. Bài 3

24/05/2023, 05:32

Bài 3: Niềm vui lớn đã đến rất gần...

Nhấn mạnh tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 22/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kỳ họp sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; trong đó có “Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận”. Dự kiến tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, trong đó có quy định về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét. Niềm vui lớn cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã đến rất gần...

z4368401134552_e9c09b77376ddf36fc2e2e28e1206962.jpg
Phối cảnh hồ Ka Pét nhìn từ trên cao.

Trình Quốc hội xem xét điều chỉnh chủ trương…

Công trình thủy lợi hồ chứa nước Ka Pét được đưa vào quy hoạch khá sớm nhưng có thời gian chuẩn bị đầu tư lâu nhất với hơn 20 năm. Nhận thấy nhu cầu bức thiết và sự mong mỏi của người dân, qua các kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XV đã kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Trao đổi thông tin xung quanh lý do kiến nghị này, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn An cho biết: Dự án hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công, đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93. Khi có chủ trương của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư dự án. Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, chủ đầu tư đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi, kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng, lựa chọn nhà thầu tư vấn và bố trí vốn thực hiện… Sau khi chủ đầu tư thực hiện xong công tác khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi do diện tích rừng lớn, khối lượng công việc đánh giá hiện trạng rừng và trồng rừng thay thế nhiều, việc thực hiện phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật liên quan nên thời gian chuẩn bị báo cáo bị kéo dài. Đồng thời trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, do thay đổi giá, đơn giá, định mức theo quy định của pháp luật nên chi phí đầu tư dự án tăng. Việc tăng vốn đầu tư không phải do bổ sung hạng mục hoặc tăng khối lượng so với giai đoạn lập chủ trương đầu tư, các chỉ tiêu cơ bản của dự án không thay đổi. Theo đó, tổng chi phí đầu tư là 874,089 tỷ đồng, tăng thêm 288,442 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93. Vì vậy theo quy định tại Điều 34 Luật Đầu tư công, chủ đầu tư phải thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Sau khi Quốc hội khóa XV phê duyệt danh mục các dự án đầu tư công trung hạn, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có phiên làm việc với UBND tỉnh về tiến độ triển khai các dự án đầu tư công trung hạn vốn hỗ trợ Trung ương trên địa bàn tỉnh, trong đó có hồ chứa nước Ka Pét. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, quy trình, thủ tục liên quan để báo cáo Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư đảm bảo tiến độ. Đồng thời đoàn đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ thẩm tra hồ sơ, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh dự án, trên cơ sở đó, tỉnh triển khai các bước tiếp theo, sớm thi công hồ chứa nước Ka Pét.

… Với 3 kiến nghị cụ thể

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết: Thực hiện phân công của Lãnh đạo Quốc hội về chủ trì thẩm tra việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (sau đây gọi là dự án); đầu tháng 3/2023, Thường trực Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội tổ chức Đoàn công tác đi khảo sát thực tế tình hình triển khai thực hiện dự án. Qua các đợt giám sát và khảo sát thực tế, Thường trực Ủy ban KHCN&MT thấy rằng, mặc dù dự án đang triển khai chậm so với yêu cầu của Nghị quyết số 93 nhưng UBND tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực cố gắng và nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu của Chính phủ. Ngoài một phần do nguyên nhân chủ quan thì phần lớn dẫn đến chậm tiến độ là do nguyên nhân khách quan, trong đó cần nhấn mạnh thời điểm triển khai dự án là lúc cả nước cũng như tỉnh Bình Thuận đang tập trung cao độ để phòng, chống dịch Covid-19 (mất hơn 2 năm).

z4368408037539_a32f072ce3feea6c67b005c982e7687b.jpg
Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khảo sát vị trí xây dựng công trình hồ chứa nước Ka Pét.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 93, triển khai có hiệu quả dự án, Thường trực Ủy ban KHCN&MT đã tán thành đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2025 (chậm hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội). Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy, trên cơ sở giám sát, khảo sát thực tế; ý kiến thảo luận tại phiên họp thẩm tra sơ bộ; Thường trực Ủy ban KHCN&MT đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trình Quốc hội cho ý kiến đối với 3 nội dung kiến nghị của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Cụ thể, cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 đến hết ngày 31/12/2023 đối với dự án. Xem xét cho phép dự án được thực hiện theo cơ chế đặc biệt: Giao Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt dự án; trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư dự án được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Riêng đối với nội dung về điều chỉnh bổ sung địa điểm trồng rừng thay thế của dự án, đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép UBND tỉnh Bình Thuận chủ động bố trí phương án trồng rừng thay thế phù hợp với quy định mới của pháp luật và đồng bộ với tiến độ thực hiện dự án. Thường trực Ủy ban KHCN&MT cho biết đã tán thành với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Thường trực Ủy ban KHCN&MT cho rằng, HĐND tỉnh Bình Thuận đã đưa dự án này vào Danh mục công trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021-2025 (theo Nghị quyết số 51 của HĐND tỉnh) và cam kết dành nguồn vốn dự phòng của địa phương chi cho phần tăng thêm của dự án. Qua đó, đã thể hiện sự quyết tâm của tỉnh Bình Thuận và sự mong đợi của cử tri tỉnh nhà trong thực hiện dự án Hồ Ka Pét. Vì vậy, sau khi Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để thi công dự án, đáp ứng tiến độ đề ra nhằm giải “cơn khát” cho người dân phía Nam tỉnh Bình Thuận.

Ngay trong ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận...

Bài 1: Chật vật đi tìm mạch nguồn sự sống

Bài 2: Mong chờ dòng nước mát từ Hồ Ka Pét

THU HÀ

Related articles
Bài dự thi Giải Cờ đỏ: Đảng lo “mạch sống” cho người dân vùng hạn
Được biết đến là vùng khô hạn nhất nước, những năm gần đây tình trạng này tại Bình Thuận ngày càng khốc liệt hơn. Thấu hiểu niềm mong mỏi lớn nhất của người dân nơi đây, tại Kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khoá XV, Dự án Hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam được Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư… sẽ mang lại “mạch sống” cho người dân vùng hạn. Đây là mong chờ và là niềm vui rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảng lo “mạch sống” cho người dân vùng hạn. Bài 3