Những ngày qua, các kênh truyền thông tràn ngập tin tức về sự kiện tuyến đường bộ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được thông xe ngay ngày đầu dịp lễ 30/4 - 1/5 (cụ thể là ngày 29/4/2023). Sau khi đưa vào sử dụng, tuyến đường bộ cao tốc này sẽ giúp việc di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến “thủ đô resort” của Bình Thuận rút ngắn một nửa thời gian so trước đây - tức chỉ còn khoảng hơn hai tiếng đồng hồ. Đón nhận với sự hồ hởi, rất nhiều du khách của các tỉnh, thành phía Nam đều háo hức trải nghiệm chuyến đi đến vùng duyên hải cực Nam Trung bộ có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, bãi biển đẹp dài miên man, đồi cát trắng mênh mông, ẩm thực đa dạng…
Sự thuận tiện về giao thông và được nghỉ “lễ kép” (Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 - 1/5) kéo dài 5 ngày, cộng với thời tiết nắng nóng oi bức khiến nhiều gia đình, nhóm bạn bè, doanh nghiệp quyết định chọn điểm đến “Biển xanh - Cát trắng - Nắng vàng” là nơi nghỉ dưỡng. Nhận thấy tiềm năng lẫn nhu cầu của đông đảo du khách, trước đó nhiều hãng lữ hành cũng đã thiết kế phong phú tour xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh đến Mũi Né - Phan Thiết - Bình Thuận, kể cả đảo Phú Quý (huyện Phú Quý) và Cù Lao Câu (huyện Tuy Phong)… Theo dự ước, du lịch Bình Thuận đón khoảng 160.000 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí vào dịp lễ sắp tới, nhưng con số này còn có thể tăng cao nhờ “sức hút” của tuyến đường bộ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết chính thức thông xe.
Có thể nói đây là cơ hội cực tốt để Bình Thuận tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh và khẳng định thương hiệu điểm đến: An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn. Cùng với việc đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh, từ đây ngành “công nghiệp không khói” của địa phương cũng kỳ vọng tạo bước phát triển đột phá… Song đó lại là “phép thử” đối với Bình Thuận khi tập trung đón, phục vụ số lượng du khách đông đảo nhưng phải đảm bảo an ninh, an toàn, chất lượng, chu đáo và tạo ấn tượng đẹp về điểm đến.
Bình Thuận hiện là điểm đến có sức cạnh tranh hút khách, tuy nhiên thực tế cũng còn mặt tồn tại trong giải quyết một số vấn đề như về rác thải, hoặc tình trạng cân thiếu ký khi mua hải sản tươi sống… dẫn tới làm “mất điểm” trong lòng du khách. Thế nên vừa qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, UBND thành phố Phan Thiết đã có văn bản về việc triển khai công tác phục vụ du lịch trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 - 1/5. Theo đó yêu cầu tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình an ninh trật tự, an toàn du khách, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả, chất lượng dịch vụ… Đặc biệt với doanh nghiệp du lịch cần bố trí đủ nhân lực và các điều kiện cần thiết để phục vụ tốt du khách cũng như quan tâm rà soát, kiểm tra nhắc nhở nhân viên phải phát huy tối đa cung cách phục vụ văn minh, lịch sự. Bên cạnh đó còn tích cực xây dựng hình ảnh thân thiện, hiếu khách nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc làm ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp nói riêng và thương hiệu du lịch Bình Thuận nói chung trong quá trình phục vụ du khách.
Với tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch và giao thông đối ngoại đã thuận tiện hơn, Bình Thuận được ví như điểm đến đang nắm trong tay “thiên thời, địa lợi”. Còn lại “nhân hòa” là sự thể hiện qua việc đón, phục vụ sao cho hầu hết du khách đến nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm… cảm thấy thoải mái, hài lòng. Điều này rất cần sự chung sức và quyết tâm từ địa phương, ngành chức năng đến cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ và cả người dân cùng tham gia. Đây chính là “phép thử” mà kết quả mong muốn cho thấy phần đông du khách vẫn sẽ ưu tiên chọn điểm đến Bình Thuận trong những chuyến nghỉ dưỡng tiếp theo. Qua đó góp phần thúc đẩy du lịch địa phương tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời hậu đại dịch Covid - 19, tiếp tục khẳng định là “điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam…