Tăng số người khám chữa bệnh
Bà Nguyễn Thị Kim L. (Phan Thiết) chia sẻ: “Nhờ có thẻ BHYT, gia đình tôi giảm nhiều chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện khi tôi bệnh. Con tôi làm công nhân chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt hàng ngày; trong khi đó, tôi thường xuyên ốm đau. Nếu mà không có thẻ BHYT, thì con tôi rơi vào cảnh đi vay nợ mỗi khi tôi bệnh. Rõ ràng, tham gia BHYT mang lại lợi ích cho gia đình mà còn góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội khi đau ốm, bệnh tật”. Không riêng gì bà L. mà còn nhiều người khác có thẻ BHYT không may mắc bệnh hiểm nghèo được quỹ BHYT thanh toán chi phí khi khám điều trị bệnh với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Bởi lẽ thiết thực ấy, trong nhiều năm nay, người tham gia mua BHYT xem thẻ BHYT là “thẻ vàng” để bảo vệ sức khỏe của mỗi người, mỗi gia đình mà không thể thiếu trong đời sống. Đặc biệt, người dân có hoàn cảnh khó khăn cần được bảo vệ an sinh xã hội, được chăm sóc y tế, được chia sẻ gánh nặng về tài chính khi không may ốm đau, bệnh tật. Bằng chứng, quý I/2023, Bình Thuận có 472.193 lượt người khám chữa bệnh BHYT gồm 433.533 lượt người khám, điều trị ngoại trú và 38.660 lượt người khám điều trị nội trú; với số tiền 177.755 triệu đồng được quỹ BHYT thanh toán. So với cùng kỳ 2022, số lượt khám chữa bệnh tăng 44,5%, với số tiền tăng 43,9%.
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, quý I/2023, tình hình dịch Covid-19 đã ổn định và người dân đến cơ sở y tế khám chữa bệnh nhiều hơn so với năm 2022. Thêm vào đó, sự thay đổi thời tiết cũng làm tăng các bệnh lý đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, viêm phế quản, viêm phổi… Vì vậy, bệnh nhân khám ngoại trú và nhập viện điều trị nội trú tăng theo. Cùng với đó, nhiều bệnh nhân lớn tuổi có tiền sử bệnh mãn tính bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng hậu Covid-19 dẫn đến gia tăng số lượt khám và chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Hơn 99.000 người chưa tham gia BHYT
Thẻ BHYT mang lại nhiều quyền lợi cho người bệnh, giúp người dân được hưởng thụ một cách tốt nhất các dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Tuy nhiên, Bình Thuận còn 99.449 người chưa tham gia BHYT. Trong quý I/2023, toàn tỉnh có 1.035.415 người tham gia BHYT, đạt 91,2% kế hoạch. Trong đó, 99,7% người thuộc hộ nghèo và 99,5% người thuộc hộ cận nghèo đã được cấp thẻ BHYT. Một số trường hợp thuộc diện này cấp thẻ chậm; chủ yếu cơ quan BHXH phải rà soát lại danh sách đề nghị cấp của địa phương do có sai sót ngày tháng năm sinh, sai hoặc trùng họ tên hoặc tham gia BHYT theo nhóm khác, không có mã số, thiếu số định danh hoặc căn cước công dân... Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 89,02% dân số. Trong khi, tại Quyết định số 546 của Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT cho Bình Thuận vào năm 2023 là 92,25%.
Nguyên nhân là số người nghèo, cận nghèo phê duyệt năm 2023 giảm so với năm trước. Học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT với thời gian ngắn hạn khi thẻ hết hạn, thì chưa tiếp tục tham gia lại. Người sinh sống ở vùng khó khăn, miền núi, người dân thuộc các xã bãi ngang ven biển, người mới thoát nghèo không còn thụ hưởng chính sách BHYT mà phải chuyển sang tham gia BHYT theo hộ gia đình. Bởi điều kiện kinh tế gia đình vẫn còn nhiều khó khăn nên khó vận động họ tiếp tục tham gia BHYT tự đóng.
Để đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT và hướng tới bao phủ BHYT toàn dân, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận tiếp tục phối hợp với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh và các Sở, ngành liên quan hoàn chỉnh phương án nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tại tỉnh từ 3% lên 20% để tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân thông qua Nghị quyết vào kỳ họp giữa kỳ năm 2023. Đồng thời, tổ chức ra quân tuyên truyền, vận động người tiềm năng chưa tham gia BHYT, người dân gia đáo hạn BHYT…