Họp mặt truyền thống cán bộ, chiến sĩ Văn phòng Khu ủy Khu VI

09/04/2023, 09:00

Ban Liên lạc truyền thống Văn phòng Khu ủy Khu VI vừa tổ chức họp mặt tại Sa Lôn - Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận ở Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc nhân kỷ niệm 48 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), 62 năm ngày thành lập Khu ủy Khu VI (7/1961-7/2023).

c0098t01.jpg

Họp mặt truyền thống cán bộ, chiến sĩ Văn phòng khu ủy khu VI

Dự họp mặt có đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh; và gần 200 cán bộ, chiến sĩ ở Bình Thuận và các tỉnh, thành trên cả nước, từng công tác, chiến đấu ở Khu ủy Khu VI trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Khu ủy Khu VI một thời đóng chân tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận, để lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân Khu VI đánh Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

123

Khu VI được thành lập vào năm 1961, gồm các tỉnh: Đắk Lắk, Tuyên Đức, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Bộ Chính trị quyết định thành lập Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân Khu VI trực thuộc Trung ương Cục miền Nam để lãnh đạo, chỉ huy phong trào cách mạng, lực lượng vũ trang địa phương và làm nhiệm vụ xây dựng căn cứ, mở đường hành lang chiến lược nam Tây Nguyên tiếp nhận sự chi viện của Trung ương cho chiến trường Nam bộ, do đồng chí Trần Lê làm Bí thư Khu ủy. Sau đó, do yêu cầu, Khu VI tiếp tục trải qua nhiều lần thay đổi về địa bàn. Đến cuối năm 1974, Khu VI bao gồm các tỉnh: Quảng Đức, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy. Khu VI có địa bàn rộng lớn, lại thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt, địa bàn kiểm soát luôn trong thế “cài răng lược”, vì vậy hình thái quân khu luôn thay đổi linh hoạt cho phù hợp với tình hình chiến sự.

Trong điều kiện khó khăn thiếu thốn cả về lương thực và vũ khí, phương tiện, quân và dân Khu VI đã biết dựa vào “thế trận lòng dân”, tận dụng địa hình rừng núi để sáng tạo ra cách đánh, tạo ra những loại vũ khí vô cùng lợi hại khiến kẻ thù khiếp sợ…

Tại buổi họp mặt, các cán bộ, chiến sĩ từng công tác, chiến đấu ở Văn phòng Khu ủy Khu 6 tưởng niệm 61 đồng chí hy sinh, trong đó đơn vị cảnh vệ có 13 liệt sĩ, đơn vị vô tuyến 14 liệt sĩ… Cùng ôn lại truyền thống kháng chiến và động viên nhau tiếp tục đóng góp sức mình cho quê hương.

Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Nguyễn Hoài Anh thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh, cống hiến, đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Văn phòng Khu ủy Khu 6 trong kháng chiến chống Mỹ.

Đồng chí nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền đương nhiệm cũng như nhân dân Bình Thuận hôm nay mãi mãi ghi nhớ và đời đời biết ơn các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, các cựu chiến binh, người có công với cách mạng đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có các cô chú công tác, chiến đấu tại Văn phòng Khu ủy Khu VI trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Khi hòa bình được lập lại, quê hương sạch bóng quân thù, cả nước thống nhất, các cô, chú bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo nền móng vững chắc để Bình Thuận nói riêng và các tỉnh thuộc Khu VI nói chung phát triển như ngày hôm nay.

NINH CHINH - ẢNH N.LÂN

Related articles
Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy ở Sa Lôn: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng
Trên quê hương Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc anh hùng có di tích lịch sử cách mạng - Khu Căn cứ Tỉnh ủy Sa Lôn. Với diện tích gần 11 ha, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy ở Sa Lôn vừa là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho nhân dân và thế hệ trẻ, vừa là một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Họp mặt truyền thống cán bộ, chiến sĩ Văn phòng Khu ủy Khu VI