Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy ở Sa Lôn: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

22/02/2023, 05:27

Trên quê hương Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc anh hùng có di tích lịch sử cách mạng - Khu Căn cứ Tỉnh ủy Sa Lôn. Với diện tích gần 11 ha, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy ở Sa Lôn vừa là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho nhân dân và thế hệ trẻ, vừa là một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.

Lịch sử hào hùng

Ngược dòng lịch sử, sau năm 1954, trên địa bàn tỉnh địch càn quét dữ dội từ thành thị đến nông thôn, nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ và cán bộ trung kiên bị bắt tù đày. Để đảm bảo an toàn cho Cơ quan Tỉnh ủy, tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến, vấn đề chọn địa điểm xây dựng Căn cứ Tỉnh ủy được đặt ra và mang tính chất sống còn. Tỉnh ủy đã chọn Sa Lôn để xây dựng khu căn cứ nhằm đảm bảo sự bí mật và an toàn. Sa Lôn là khu rừng tự nhiên có địa bàn, địa thế và vị trí chiến lược rất quan trọng, tiếp giáp với vùng đồng bằng trải dài ven biển thuộc huyện Hàm Thuận. Theo các vị cao niên người Cờ ho ở địa phương thì Sa Lôn có nghĩa là “dòng nước Mẹ”, con suối nước chảy uốn lượn như con rồng, trong khu di tích có con suối chảy qua được gọi tên là suối Chín Khúc.

da2f68ad-4c8e-4c1f-8fb1-d8e63a3ffa36.jpeg
Lãnh đạo tỉnh tham quan, nghe giới thiệu thuyết minh nội dung tại Nhà Tưởng niệm - Trưng bày và khu di tích gốc được phục dựng. Ảnh: Đ. Hoà

Trong kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh ủy Bình Thuận đứng chân tại hơn 30 địa điểm. Riêng tại căn cứ Sa Lôn, Tỉnh ủy đứng chân 3 lần trong thời gian hơn 8 năm (từ tháng 12/1954 đến tháng 6/1957, từ giữa năm 1961 đến tháng 12/1964 và từ tháng 9/1968 đến tháng 8/1970) ghi lại nhiều dấu ấn, nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng như: Hội nghị thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bình Thuận (tháng 10/1962); Đại hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Thuận lần thứ I (1962) và lần II (1964); Đại hội Chiến sĩ thi đua tỉnh Bình Thuận lần thứ I (tháng 9/1964); Hội nghị thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Bình Thuận (tháng 6/1969), Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ I trong kháng chiến chống Mỹ (tháng 7/1970). Đặc biệt, ngày 9/9/1969, tại đây đã tổ chức Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh với bức ảnh chân dung Người bằng lụa, bọc trong khung, đặt trên bàn thờ bằng cây lồ ô còn được lưu giữ đến nay…

Với những dấu ấn đặc biệt đó, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy ở Sa Lôn đã được Tỉnh ủy Bình Thuận chọn làm nơi để phục dựng, tu bổ, tôn tạo các di tích gốc và xây dựng các hạng mục phụ trợ để bảo tồn, giữ gìn truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng, oanh liệt của Cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ nói riêng, của Lịch sử Đảng bộ tỉnh nhà nói chung trong giai đoạn 1954 - 1975. Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy ở Sa Lôn được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh vào tháng 10/2017. Khu di tích được khởi công xây dựng vào ngày 15/1/2021, hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 2/2/2023.

798126a5-d0cf-493a-914e-e88cae5afa03.jpeg
Lãnh đạo tỉnh tham quan Khu căn cứ Tỉnh ủy ở Sa Lôn. Ảnh: Đ. Hòa

Địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ

Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy ở Sa Lôn thuộc địa phận thôn 3, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc cách TP. Phan Thiết khoảng 60 km, cách UBND huyện Hàm Thuận Bắc khoảng 43 km về hướng Tây Bắc và cách UBND xã Đông Giang khoảng 12km về hướng Tây Nam. Tổng diện tích toàn khu di tích là 10,94 ha với tổng mức đầu tư 127 tỷ đồng. Khu căn cứ Tỉnh ủy bao gồm Khu di tích gốc (các hạng mục dân dụng như hầm, chòi nghỉ chân, hội trường, bếp Hoàng Cầm, hệ thống mương thoát nước…). Khu di tích căn cứ Sa Lôn có 277 hiện vật gốc là các vật dụng trong đời sống và dụng cụ chiến đấu được các cựu chiến binh trao tặng; tỉnh Bình Thuận cũng sưu tầm và tìm được 219 hiện vật gốc để trưng bày trong Nhà lưu niệm. Từ khi được xây dựng đến nay, di tích lịch sử cách mạng khu căn cứ Tỉnh ủy Sa Lôn có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Đồng chí Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: “Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ” mang nhiều ý nghĩa, được các thế hệ lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm. Việc phục dựng lại căn cứ Sa Lôn còn hình thành nên địa điểm để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau biết được những hy sinh của cha ông; đồng thời phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu di tích lịch sử và hướng đến là khu du lịch sinh thái góp phần phát triển địa phương”. Đại diện Huyện đoàn Hàm Thuận Bắc cho biết: “Thời gian qua, Huyện đoàn đã tổ chức hành trình về nguồn tại Khu căn cứ Tỉnh ủy Sa Lôn. Thông qua đó giáo dục đoàn viên, thanh thiếu nhi về truyền thống đấu tranh cách mạng, lý tưởng, đạo đức cách mạng; từ đó đoàn viên, thanh thiếu niên, nhi đồng nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. Các hoạt động còn thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ trẻ đối với sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước”.

dsc_3681.jpg

Khu Căn cứ Tỉnh ủy ở Sa Lôn trong kháng chiến chống Mỹ như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc kháng chiến, phản ánh trung thực sự lãnh đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp là Tỉnh ủy Bình Thuận đối với các lực lượng vũ trang và nhân dân ta. Với những giá trị lịch sử to lớn đó, Tỉnh ủy phục dựng khu di tích để vừa giữ gìn, tôn vinh những người đã từng xây dựng và bảo vệ Khu Căn cứ, vừa phát huy các giá trị của di tích nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau và là điểm đến của du lịch. Qua đó, nhắc nhở cho thế hệ trẻ biết được những gian truân, sự hy sinh và mất mát của biết bao thế hệ cha anh đi trước mới có được hòa bình, độc lập, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay; sống, học tập và làm việc nhằm đóng góp sức mình để xây dựng quê hương đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp…

THU HÀ

Related articles
Từ Căn cứ Xẻo Quýt nghĩ về Căn cứ Sa Lôn
Gần 30 năm kể từ khi khu Căn cứ Tỉnh ủy Đồng Tháp được phục dựng tại Xẻo Quýt, đến nay đã có hàng chục vạn người từ khắp miền đất nước và nước ngoài đến tham quan du lịch. Từ một căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ nay đã thành điểm du lịch nổi tiếng về nhiều mặt; được coi là một trong những điểm phát huy rất tốt các giá trị về bảo tồn di tích gắn với hoạt động du lịch và môi trường sinh thái ở Việt Nam.

(1) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy ở Sa Lôn: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng