Những tiếng chuông ngân vọng

07/04/2023, 05:49

Giữa vô vàn những thanh âm trong cuộc sống, sao có lúc tôi lại nghĩ về những tiếng chuông.

Tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương của ba mẹ ngay ở căn nhà do bà ngoại tôi tạo dựng. Căn nhà xưa, có một trang thờ tổ tiên. Chiếc chuông đồng gắn liền với trang thờ. Ngày còn nhỏ lắm, tôi đã thấy chiếc chuông ấy.

tfd_170125050952_620255-1011.jpeg

Mỗi buổi chiều, ba tôi thắp nhang trang thờ tổ tiên, bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà, bao giờ ba tôi cũng đánh chín tiếng chuông. Cứ hai tiếng liền nhau, rồi một tiếng tách ra. Ba lần như vậy. Những tiếng chuông thong thả ngân vang từ trang thờ trên cao, vọng cả gian nhà. Cùng với đó là mùi nhang thơm lan tỏa. Đều đặn, ngày nào cũng thế. Gian phòng khách nhà tôi thơm dìu dịu hương nhang trầm mỗi buổi chiều tối.

Những ngày giỗ, tiếng chuông vọng vang vào buổi trưa khi ba tôi đã bày các thức cúng trên bàn. Và lần này, khác với thường ngày, ba hồi chuông cất lên, sau đó mới đến chín tiếng. Đánh chuông ngày giỗ đã khác với đánh chuông ngày thường. Tôi nhớ rõ ba tôi vẫn làm như vậy, ngày ba tôi còn khỏe. Và vẫn là tiếng chuông được đánh lên sau khi ba đã thành kính thắp hương.

Tiếng chuông đã luôn gắn bó mật thiết với mùi thơm của những cây nhang được thắp. Tiếng chuông ngân vang, quyện với khói nhang lơ lửng bốc cao, có mùi thơm của trầm, của quế, tạo cảm giác ấm áp trong gian nhà, làm dịu nhẹ lòng người. Giao thừa và những ngày tết, việc đánh chuông, thắp hương bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên, ông bà càng được ba tôi tiến hành trang nghiêm hơn. Suốt nhiều chục năm như thế. Dù có nhiều việc cần làm trong ngày để lo sinh kế gia đình, thì mỗi buổi chiều, những tiếng chuông vẫn ngân vang như tuôn chảy trong gian nhà của chúng tôi.

Rồi tôi nối gót ba, khi ba tôi đã già yếu. Rất nhiều lần thắp hương khấn nguyện tổ tiên, ông bà mỗi ngày, rồi những ngày giỗ, ngày tết, tôi nghiệm ra rằng: lòng người khi đánh chuông, thắp hương khấn nguyện, cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến tiếng chuông. Khi lòng người vui, tâm bình an, tiếng chuông cất lên sẽ thong thả, từ tốn, nhẹ nhàng, nhịp đều đặn. Khi lòng người bất ổn, có điều không vui, không thuận lợi, có chuyện phải lo nghĩ, tiếng chuông lúc này sẽ khác đi, có lúc mạnh hơn thường ngày, có lúc nhịp không còn đều nữa, có khi lại rời rạc. Tâm người không bình an, tiếng chuông sẽ thiếu đi sức sinh động thường có.

Hóa ra, nhịp gõ chuông, sức gõ chuông, cái hồn được tỏa ra từ tiếng chuông lại xuất phát từ lòng người.

Đối với tôi, gõ lên những tiếng chuông là hướng lòng thành kính, vọng tưởng đến đức Phật, đến tổ tiên, ông bà. Điều ấy đi kèm với hương nhang, hương trầm ấm cúng, gợi lòng thuần khiết, thành tâm trong một không gian bình yên, ấm áp. Giữa không gian ấy, khấn nguyện lên tổ tiên, ông bà với sự tĩnh tâm sẽ giúp lời khấn nguyện được suôn sẻ, mạch lạc hơn. Niềm tin được gởi gắm vào lời khấn tạo sự an yên trong lòng người.

Ơi, những tiếng chuông vẫn thường ngân vọng ở mỗi gia đình, ở mỗi ngôi chùa, ở những nơi thờ tự khác. Những tiếng chuông lan tỏa trong không gian trang nghiêm sao vẫn thấp thoáng lòng người, nỗi niềm thế nhân trong ấy!

KHẢI MINH

Related articles
Tết Thanh minh, nét văn hóa nhớ về tổ tiên
BTO-Tết Thanh minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, từ xa xưa Tết Thanh minh đã trở thành ngày lễ quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của biết bao người Việt Nam trong và ngoài nước. Đây là dịp mọi người tổ chức lễ tảo mộ, quây quần để nhớ về người đã khuất…

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những tiếng chuông ngân vọng