Tìm về chữ nghĩa người xưa: Từ Vè “các lái” đến dinh “Cát Lái”…

07/04/2023, 05:40

Tại T.P Hồ Chí Minh có một địa danh mang tên “Cát Lái”, đó là tên gọi một phường, một ngã ba sông, một bến phà, một cảng container quốc tế… ở quận 2 nay thuộc thành phố Thủ Đức. Theo một số nhà nghiên cứu, nếu viết “Cát Lái” là lỗi chính tả, chính xác phải là “Các Lái” với nghĩa là các lái buôn.

Bởi từ xa xưa, các lái buôn thường tụ tập mua bán ở khu vực trên, phần đông là các lái buôn bằng ghe bầu chở hàng hóa nông lâm - thổ - hải sản… từ miền Trung vào Gia Định, trong dân gian gọi tắt là dân “các lái”. Trên cái bến ghe đó họ ngồi lại với nhau “Ghe bầu các lái đi buôn/Đêm khuya ngồi buồn, kể chuyện đi buôn/Bắt từ Gia Định kể ra/Anh em thuận hòa ngoài Huế kể vô”. Mỗi người một chữ một câu, họ làm nên các bài vè dân gian gọi là vè “các lái”. Những người đi biển lâu năm, dày dạn kinh nghiệm, đã trải qua nhiều chặng đường trên biển, đặt ra các bài vè để giúp cho những người lái ghe bầu liệu bề lèo lái, tránh nơi nguy hiểm, tránh trú bão dông, họ còn biết nơi nào lấy củi nước hay nghỉ ngơi, giải trí, mua bán những sản vật; hoặc biết nơi nào có am miếu để ghé vào dâng cúng lễ vật cầu mong được an bình thuận lợi, thu hoạch buôn bán có kết quả trong suốt cuộc hành trình… Các bài vè được truyền miệng “hát ra”, “nói ra”, sau này mới ghi chép lại bằng chữ quốc ngữ. Được biết, có một bài vè “các lái” do ông Lê Văn Tho, một nhà hàm hộ cũng là chủ ghe bầu ở Phan Thiết đã từng chuyên chở nước mắm tĩn ra Huế vào Sài Gòn cùng với các lái ghe bầu khác ở miền Trung thuộc nhớ đọc lại cho các nhà nghiên cứu ghi chép và công bố trên tập san Sử Địa-Sài Gòn những năm 1970. Bài vè “các lái” hát vô từ Huế vào Sài Gòn có 182 câu lục bát, trong đó có các câu nói về vùng ven biển Bình Thuận ngày nay:

dinh.jpg

Qua Mũi Dinh cho liền Chín Vại/Tắt mặt trời các lái ra đi/Nhắm chừng bãi lưới một khi/Tây phương chỉ mũi lái thì gác Đông/Gò lèo ba cánh thẳng dong/Cà Ná đã tới khu Ông đã gần/Lao Cau sóng vỗ rần rần/Cà Ná Bực Lở cũng lần mà qua/Gò lèo ráng lái gác ra/Lòng Sông, Mũi Chọ thẳng ngay La Gàn/Ngó vô thuyền đậu nghênh ngang/Gành Son/Trại Lưới tiếng vang làng nghề/Cửa Duồng nay đã gần kề/Lạch kia Phan Rí ghe nghề xôn xao/Nhắm chừng Mũi Nhỏ băng qua/Vũng Môn, Đá Dựng đã xa Hòn Hường/Hòn Nghề, Quang Thí dựa nương/Hòn Rơm, Mũi Né là đường vô ra/Ghe thuyền tụ tập gần xa/Phú Hài, Phan Thiết ấy là trạm trung/Hỡi ai đốn củi Gành Thông/Sơn lâm một gánh chất chồng hai vai/Kê Gà nay đã đến nơi/Anh em làm lễ một hồi cho qua/Nới lèo, quay lái trở ra/Hòn Lan, Cửa Cạn ấy là Tam Tân/Sóng ào ào, buồm giương ba cánh/Chạy một hồi tỏ rạng La Gi/Hòn Bà, Rạn Gõ một khi/Ngoài khơi Rạn Đập, trong ni Rạn Hồ/Buồm giương ba cánh chạy vô/Hòn Bà, Hóc Kiểm quanh co Hồ Tràm/Kim ngân lễ vật cúng dường/Lâm râm khấn nguyện lòng thường chớ quên…

Còn bài vè “các lái” hát ra có những câu nói về vùng biển phía Nam Bình Thuận:

Cù Mi thượng hạ song song/La Gi nằm khuất phía trong Hòn Bà/Cây Khô, Cửa Cạn đã qua/Trực nhìn Khe Cả nay đà kề bên/Dập dìu ghe lưới bủa chen/Xa trông đã thấy Mũi Đèn ở kia/Đồn rằng Phan Thiết lịch thay/Sớm chiều phiên chợ tối ngày bán buôn/Trên đường xe chạy bon bon/Dưới sông thuyền đậu bán buôn rộn ràng/Phú Hài chừ đã liền sang/Buồm dong ba cánh lòng càng thảnh thơi/Mũi Né ta sẽ buông khơi/Trong thời có xóm ăn chơi bĩ bang…

Cụm từ “các lái” chỉ chung những người đi buôn bằng ghe bầu cả chủ và bạn bao gồm: chủ ghe được gọi là chủ lái, là người chủ lo chuyện buôn bán, giao hàng, nhận hàng, tiền bạc thu chi cho gia đình hoặc hãng xưởng của họ (như người của các hãng nước mắm Phan Thiết đưa hàng đi các nơi); song người quan trọng nhất trong mỗi chuyến đi là người (lèo) lái ghe bầu được gọi là lái phụ, là người tổng chỉ huy (tổng lái) cho các bạn ghe (bạn lái) lèo lái chiếc ghe vượt qua “sóng to, gió dữ” để “đi đến nơi, về đến chốn”…

Trong tập thơ Nôm “Đi kinh” do ông Hương thân Bùi Quang Diêu viết kể lại một chuyến hải trình thật phiêu lưu và gian nan trải qua 120 ngày tròn đi về trên biển bằng ghe buồm từ đảo Phú Quý, Bình Thuận ra kinh đô Huế vào năm Tân Sửu - 1901 để thỉnh nguyện triều đình “giảm thuế bỏ xâu” cho đồng bào ngoài đảo. Tập thơ gồm 1.282 câu theo thể lục bát, với 8.974 chữ, bản dịch chữ quốc ngữ do cụ ông Trần Đức Dự ở Khánh Thiện, Mũi Né thực hiện cùng quý ông Nguyễn Đình Diệm, Hoàng Văn Suất nhuận sắc, với phần chú thích của ông Trần Nhuận Đức ở Tam Thanh (Nhà nghiên cứu Lê Hữu Lễ sưu tầm và chép lại trong công trình khảo cứu về đảo Phú Quý từ năm 1970). Trong tập thơ có đoạn viết về nghề lái phụ: “… Kìa kìa lộ thấy Nha Trang/Ghé vào mua gạo thêm mà để ăn/Đem nhau vào đó hỏi han/Mà mướn lái phụ nói là thượng kinh/Gặp ai mà hỏi sự tình/Thời ta cũng nói việc mình đặng hay/Tình cờ may đã quá may/Gặp người Nước Cạn ngày nầy đi ghe (?)/Ngồi chơi tại quán mà nghe/Tưởng đi buôn bán ai ngờ thượng kinh/Bây giờ mới rõ sự tình/Đây tức lái phụ đàng mình rõ thông/Đi lên thì sợ Nam dò/Còn lo Nam độn Nam lò thổi dai/Lại với cái Nam chớp chài/Tới chừng nó phát thổi dài cuồng hung/Lên kinh thời sợ Nam tùng/Còn thêm Nam Việt (việc?) cũng hung nhưng là/Từ đây lên đó còn xa/Hôm nay tháng sáu mười ba đã rồi/Cùng nhau thảo luận một hồi/Trời đã lại gió ta thôi ra thuyền…”.

Qua đoạn thơ trên cho chúng ta thấy, người Phú Quý rất giỏi đi biển song đến vùng biển lạ phải nhờ các ông lái phụ, chúng ta chỉ nói gọn “mùa Nam đi ra, mùa Bấc đi vào” song chỉ một ngọn gió Nam mà ông đã chỉ ra bao ngọn gió Nam qua vùng biển Nha Trang đi ra. Cho thấy lái phụ là người phải thuộc nằm lòng các bài vè “các lái” của từng vùng biển mà người đi trước đã truyền miệng lại những kinh nghiệm cho những người đi sau và cứ thế bổ sung cho các người đi sau nữa…

Nay, các nhà nghiên cứu với cái nhìn của chữ quốc ngữ đã có ý kiến địa danh “cát lái” đã viết sai chính tả chữ “các” thành chữ “cát”. Có thật vậy không (?!). Tôi nêu ra điều này bởi ở Phan Thiết, một trong những thủ phủ của ghe bầu xưa, tiền nhân đã lập Hội (ái hữu, tương tế, thờ tự) với tên gọi viết bằng văn tự Hán Nôm, sau này viết ra chữ quốc ngữ là Hội “Cát Lái” và dinh “Cát Lái”. Cụ thể trong tập sách “Đức Thắng bất khuất-kiên cường (1930-1975)” của Đảng bộ phường Đức Thắng xuất bản năm 2000 viết: “Hội Cát Lái của các chủ ghe bầu (một phần dinh trước cửa trụ sở, nay chuyển thành chùa Kiết Tường)” (T.11). Còn theo tư liệu của Giáo hội Phật Giáo thì viết: “…Phật tử mượn tiền đường của dinh Cát Lái để thờ Phật. Trụ trì đầu tiên của chùa Kiết Tường là Thượng tọa Thích Tịnh Nghiêm…”.

Theo tư liệu lịch sử và văn hóa địa phương, thuở trước lúc “Lưu dân Ngũ Quảng” vào “khai hoang lập ấp” vùng đất phường Đức Thắng ngày nay họ đã xây dựng các thiết chế văn hóa tín ngưỡng của mình. Đầu tiên là dinh Vạn Thủy Tú thờ thần Nam Hải, đến đình làng Đức Thắng thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, về sau thêm các Hội ái hữu, tương tế… như Hội “Lương Bằng” của những người chuyên nghề lưới tôm, rập ốc, Hội “Cát Lái” của các chủ ghe bầu, Hội “Thanh Minh” lo công việc tang lễ cho người quá cố… Mỗi hội đều có hội quán, cũng là dinh thờ tự, tên hội, chữ thờ, hoành phi, liễn đối… đều viết văn tự Hán Nôm; ở đây chữ “Cát Lái” (mà trước đây viết ra chữ quốc ngữ thường viết nhầm là “các lái”) với ý nghĩa cầu nguyện cho công cuộc làm ăn của lái ghe bầu mọi sự đều tốt lành, cát tường, cát lợi… chữ “Cát” ghép với chữ “Lái” thành “Cát Lái”. Năm 1991 trước nhu cầu phát triển của địa phương cần phải có đất để xây dựng Trường mẫu giáo Đức Thắng cho các cháu, địa phương mới hoán đổi cơ sở dinh Cát Lái (đã xuống cấp) và tiền đường là nơi thờ Phật với tên gọi chùa Kiết Tường về khuôn viên Hội Thanh Minh nằm kề dinh Vạn Thủy Tú, xây dựng mới ngôi chùa với tên gọi chùa Tường Minh. Ông Hồ Văn Tôn bấy giờ là Vạn trưởng Vạn Thủy Tú cùng thành viên Ban tế tự đã giữ cặp liên đối của dinh Cát Lái đem treo tại Nhà Võ Ca dinh Vạn Thủy Tú. Cặp liên đối được ông Bảy Văn ở phường Đức Long (là một nhà Nho chuyên viết văn tế trong các kỳ tế lễ cho các đình làng, dinh vạn… khu vực Phan Thiết và các vùng phụ cận nên được bà con gọi thân mật là ông Bảy Văn) phiên âm và phóng dịch như sau:

Hải thượng giá thương long húc nhật ngưỡng quang xuân sắc/Sơn trung lai sam phượng tự thiên diêu tích duy tân – (Mỗi ngày) nhìn ra biển lúc mặt trời mới mọc đoàn thương (ghe) buôn đua nhau uốn lượn hình con rồng giống cảnh sắc mùa xuân/(Nhìn vào) trong núi từ trời xa một đồng lúa móng phượng theo gió uốn mình lấp lánh như trời ban cho một cảnh mới.

Nội dung cặp liên đối trên có lẽ diễn tả cảnh sắc của vùng quê, vùng biển Phan Thiết - Phú Hài - Mũi Né vào thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 bấy giờ đang mở mang giao thương buôn bán, tấp nập ghe bầu chở sản vật “trên rừng dưới biển” đi các nơi. Đó cũng là lòng mơ ước, nguyện cầu cho “trời yên biển lặng”, công cuộc làm ăn ngày thêm Cát Tường, Cát Lợi…

Nội dung có lẽ diễn tả cảnh sắc của vùng quê Phan Thiết - Phú Hài - Mũi Né thuộc phủ Hàm Thuận vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 bấy giờ đang mở mang giao thương buôn bán, tấp nập ghe bầu chở sản vật “trên rừng dưới biển” đi các nơi. Đó cũng là lời khấn nguyện cầu mong ơn trên phù trợ cho công cuộc làm ăn ngày thêm Cát Tường, Cát Lợi, vạn sự tốt đẹp, bình an…

Gần đây, trong bài “Ghe bầu trở gió về đông” tác giả Nguyễn Kim Phượng đăng trên báo Quảng Nam online ngày 05/11/2022 có đoạn viết: PGS-TS. Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: “Thời các chúa Nguyễn, việc phát triển mạnh giao lưu giữa các vùng miền trong nước và nước ngoài chủ yếu bằng ghe bầu ở trên các luồng đường biển Bắc - Nam, đã góp tạo nên các cảng thị, phố chợ ở ven sông, cận biển. Từ đó hình thành hẳn một nghề thường gọi là nghề buôn cát lái.

Qua đó, theo tôi đối với 2 chữ địa danh “Cát Lái”, các nhà khảo cứu đừng vội cho là sai chính tả (chữ quốc ngữ), mà cần phải khảo cứu thêm cho tường tận.

GHI CHÉP: VÕ NGỌC VĂN

Related articles
Ngôi chùa cổ giữa lòng đô thị
Ngôi chùa được xây dựng từ đời Lê Cảnh Hưng năm 1740, tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Cừ, thuộc phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm về chữ nghĩa người xưa: Từ Vè “các lái” đến dinh “Cát Lái”…