“H.50 ngày ấy” - ký ức hào hùng về những năm tháng chưa xa

24/03/2023, 06:04

Tập sách “H.50 ngày ấy” của tác giả Văn Công An, do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Thuận xuất bản tháng 4/2010, luôn được tôi lưu giữ một cách trân trọng và vẫn thường đọc lại mỗi khi nhớ về tác giả.

Tập sách chỉ dày khoảng 170 trang, khổ 13x19cm nhưng nội dung của nó ôm chứa sức nặng của hơn 8 năm tồn tại và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đoàn vận tải H.50. Đây là phiên hiệu của đơn vị vận tải vũ khí, đạn dược phục vụ chiến trường Khu VI trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ra đời vào tháng 4/1967, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đoàn H.50 là đơn vị đầu mối tiếp nhận mọi sự chi viện của Trung ương từ miền Bắc vào và từ Trung ương Cục miền Nam ra, chuyển đến chiến trường các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Tuyên Đức. Ngoài việc vận tải hàng chiến lược, Đoàn còn có nhiệm vụ bám giữ hành lang nối liền Quân khu và Miền, liên hệ chặt chẽ đường dây Bắc - Nam, đưa các đoàn khách qua lại an toàn; tiếp nhận, nuôi dưỡng bệnh binh từ Bắc vào trước khi đưa về chiến trường; sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ đột xuất khi có chỉ thị của Quân khu.

h50.jpg

Tác giả tập sách là anh Văn Công An - nguyên Trợ lý chính trị của Đoàn vận tải H.50 - tức là một người trong cuộc, một nhân chứng sống. Đây chính là yếu tố cơ bản góp phần làm nên sức hấp dẫn tự nhiên của tập sách được viết dưới dạng hồi ký. Điều cần lưu ý ở đây là phương thức vận chuyển của đơn vị chủ yếu sử dụng bằng “đôi vai con người” cho mãi đến đầu những năm 70 mới bổ sung xe đạp thồ cải tiến. Quân số của đơn vị cuối những năm 60 thế kỷ trước, lên đến cả 1.000 người, hầu hết là nữ, được biên chế thành 3 cơ quan đoàn bộ; 8 đại đội vận tải; 1 đại đội bảo vệ đường 20; 1 phân đội bảo vệ đường 14; 1 phân đội công binh và lực lượng kho vận - được chốt giữ ở 61 vị trí với 200 kho lớn nhỏ.

Ngoài nhiệm vụ chính là tải đạn, từ tháng 4/1967 đến tháng 4/1975, Đoàn H.50 đã đánh địch trên dưới 60 trận, diệt hàng trăm tên, thu nhiều vũ khí đạn dược, điện đài, quân trang, quân dụng, bắn rơi 2 máy bay trực thăng, bắn cháy 1 xe thiết giáp. Tất nhiên, là trong cuộc cọ xát khốc liệt với kẻ thù không thể tránh khỏi hy sinh, mất mát và hàng trăm người đã vĩnh viễn nằm lại ở những cung đường vận tải khi đang làm nhiệm vụ.

Lần theo từng câu chuyện được thuật lại khá gãy gọn và súc tích trong tập sách “H.50 ngày ấy” ta thấy hiện lên trên trang giấy những khuôn mặt mười tám, đôi mươi phơi phới niềm tin, tràn đầy nhiệt huyết với tinh thần yêu nước trong sáng và mãnh liệt. Các chị các anh đã hiến dâng phần tươi đẹp nhất của tuổi trẻ cho quê hương, đất nước để góp phần rút ngắn đích đến của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975. Họ đến từ các vùng quê Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Long… để mang những bòng vũ khí trên lưng, vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù, sự khắc nghiệt khôn lường của thời tiết, sự hiểm trở đầy bất trắc của địa hình địa vật nơi núi rừng Trường Sơn trải ra theo những cung đường vận tải dài trên 350 km.

Tác giả Văn Công An từng tâm sự với tôi, anh không phải là người viết văn chuyên nghiệp, anh cũng không có ý định làm văn chương, anh chỉ ghi lại một cách trung thực những gì mà đồng đội và anh đã từng vào sinh ra tử trong cuộc kháng chiến vĩ đại của toàn dân tộc. Nhưng có lẽ, chính vì thế mà bạn đọc, nhất là tuổi trẻ hôm nay được tiếp cận với những trang viết hết sức chân thực và giàu tính nhân văn sâu sắc. Để rồi những cái tên của nhiều tập thể như: Đại đội 3, đại đội 4, đại đội 5, đại đội 6, C. 200, B.20 và các cá nhân như: Anh hùng lực lượng vũ trang Tà Bô Cương, Phạm Thị Thu, Nguyễn Thị Hương, Mai Văn Thơ và hàng trăm chiến sĩ thi đua cấp tiểu đoàn… đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc khi trang sách cuối cùng khép lại.

Có những câu chuyện có thật 100% mà nghe qua cứ như chuyện cổ tích thời hiện đại, như “lá thư tình yêu” ngắn ngủi giữa chị Nguyên và anh Phương được ghi trực tiếp lên đầu đạn B.40 bằng chiếc kẹp tóc rồi gởi thẳng đến chiến trường. Ấy vậy mà cuối cùng thì anh Phương cũng nhận được “thông điệp tình yêu tuyệt vời” của chị Nguyên, để rồi từ đó họ gắn bó với nhau bằng một tình yêu cao đẹp mà không bom đạn nào có thể lay chuyển được.

Phần phụ lục của tập sách, tác giả có trích giới thiệu trường ca “Sông núi trên vai” của nhà thơ quân đội Anh Ngọc và trường ca “Năm tháng ấy, chiến trường này” của nhà thơ Đỗ Quang Vinh - cả hai tác phẩm đều viết về đơn vị vận tải H.50 với sự đồng cảm, sẻ chia cùng những người trong cuộc. Cũng cần nói thêm, nhà thơ Anh Ngọc cũng chính là tác giả kịch bản bộ phim tài liệu màn ảnh rộng về Đoàn vận tải H.50 đã được công chiếu rộng rãi tháng 3/1998, và ngày 22/8/1998, đơn vị đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý - Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ.

Có lẽ, cách tốt nhất là mỗi người chúng ta hãy trực tiếp tìm đọc tập sách “H.50 ngày ấy” của Văn Công An để cùng với tác giả và các anh chị Đoàn vận tải H.50 sống lại một thời hào hùng, oanh liệt nhưng cũng thấm đẫm bi thương mà không một ai có quyền quên lãng. Bởi vì, mọi sự lãng quên quá khứ oanh liệt của thế hệ cha anh dù dưới bất cứ hình thức nào và lý do gì cũng đều có tội.

ĐỖ QUANG VINH

Related articles
Tổ chức “Khu đường sách lan tỏa văn hóa đọc” tại Ocean Dunes Resort
BTO -UBND tỉnh vừa có văn bản đồng ý về việc tổ chức “Khu đường sách lan tỏa văn hóa đọc” trên cơ sở đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“H.50 ngày ấy” - ký ức hào hùng về những năm tháng chưa xa