Chương trình lớp 10 mới: Linh hoạt sắp xếp đội ngũ giáo viên giảng dạy

15/02/2023, 05:57

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (gọi chương trình mới) đối với khối lớp 10. Bên cạnh chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết thì các trường đã linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên giảng dạy đảm bảo chương trình mới.

Chọn tổ hợp các môn

Chương trình mới với lớp 10, học sinh sẽ học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương. Bên cạnh đó, học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn gồm: Địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc và mỹ thuật.

7c82bf2f-8215-4c87-9592-2ecb6c13094f.jpeg

Thầy Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Phan Thiết) cho biết: Việc xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn và các chuyên đề học tập ở khối lớp 10 được nhà trường thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đảm bảo vừa đáp ứng đầy đủ, hiệu quả đội ngũ giáo viên của trường. Mặt khác, việc tổ chức tư vấn và cho học sinh đăng ký, lựa chọn các tổ hợp do nhà trường xây dựng đảm bảo khoa học, công khai, minh bạch. Theo đó, mỗi học sinh trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2022 – 2023 phải đăng ký 3 nguyện vọng (ứng với 4 nhóm tổ hợp môn, mỗi nguyện vọng là 1 nhóm) và xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng 3. Khi học sinh đã trúng tuyển nguyện vọng nào thì học theo nguyện vọng đã đăng ký, không được thay đổi. Theo đó, toàn trường có 980 học sinh khối lớp 10 với 22 lớp. Còn tại Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã La Gi), toàn trường có 600 học sinh khối lớp 10, căn cứ theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và đội ngũ giáo viên hiện có, nhà trường đã xây dựng các lớp theo định hướng khoa học tự nhiên (9 lớp có 4 tổ hợp lựa chọn) và theo định hướng khoa học xã hội (5 lớp có 4 tổ hợp lựa chọn).

Theo đánh giá từ các trường, qua hơn 1 học kỳ triển khai dạy học chương trình mới đối với lớp 10 không gặp nhiều trở ngại, giáo viên tiếp cận được phương pháp giảng dạy mới, còn học sinh đã bắt nhịp được với sự thay đổi này. Đặc biệt, chương trình mới đã giúp học sinh phát huy được tính năng động, sáng tạo và ý thức học tập, cũng như lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích...

Bố trí đội ngũ giáo viên đảm bảo

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022 - 2023 đội ngũ cán bộ, quản lý (CBQL) và giáo viên cấp THPT hiện có 2.165 người. Trong đó, CBQL là 81 người, giáo viên là 2.084 người. Hiện nay, Sở GD&ĐT cân đối số giáo viên       dôi dư tại các trường THPT công lập là 5 giáo viên (trong khi số giáo viên dôi dư cục bộ là 24 giáo viên). Trên tinh thần đó, căn cứ biên chế hiện có, các trường phân công, bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên phù hợp, cơ bản đảm bảo cơ cấu bộ môn, đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục cho năm học 2022 - 2023. Hiện nay, đội ngũ giáo viên tại các trường THPT công lập đảm bảo 100% đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình. Đồng thời, đầu mỗi năm học các trường đều xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ theo quy định, trong đó việc đào tạo sau đại học (thạc sĩ) được các trường quan tâm tích cực thực hiện và đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, năm học 2022 - 2023 khi triển khai thực hiện chương trình mới đối với lớp 10, các trường thiếu giáo viên các môn ngoại ngữ 2, âm nhạc và mỹ thuật nên không tổ chức các môn tự chọn cho học sinh được. Mặt khác, thiết bị dạy học theo chương trình mới còn thiếu, nhất là thiếu máy tính chưa đáp ứng yêu cầu thực hành mỗi học sinh/1 máy ở môn tin học.

Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT tiến hành xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên theo nhu cầu thực tế tại các trường để phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyển dụng theo quy định, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí các nguồn lực tài chính, tạo điều kiện cho công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đáp ứng thực hiện chương trình mới và đảm bảo lộ trình nâng chuẩn giáo viên theo quy định Luật Giáo dục năm 2019. Cùng với đó, đầu tư kinh phí cho ngành giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học, đáp ứng thực hiện chương trình mới.

THANH THUỶ

Related articles
Nhìn lại Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học
Sau 3 năm (2020 - 2021 đến 2022-2023) triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) ở cấp tiểu học. Tất cả các trường tiểu học trong tỉnh đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1, lớp 2 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình.

(0) Comments
Focus

961 giáo viên tham dự Hội thi Giáo viên dạy giỏi mầm non, phổ thông cấp tỉnh
BTO-Chiều 31/12, tại Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo (TP. Phan Thiết), Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lễ khai mạc Hội thi Giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông cấp tỉnh năm học 2024 – 2025 (gọi tắt hội thi). Dự lễ khai mạc có bà Nguyễn Thị Toàn Thắng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Phòng GD&ĐT, các trường THPT và các giáo viên mầm non, phổ thông tham dự hội thi.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chương trình lớp 10 mới: Linh hoạt sắp xếp đội ngũ giáo viên giảng dạy