Thị xã La Gi: Giải bài toán phát triển hạ tầng

03/02/2023, 05:32

Nhờ “bước đệm” 2022, năm nay, thị xã bắt đầu thi công tiếp các danh mục công trình trên địa bàn thị xã đã định xây dựng trong năm 2024 với hy vọng bên cạnh nguồn vốn của tỉnh chuyển về thị xã là nguồn vốn nội lực của thị xã đạt kế hoạch cho triển khai.

Bắt đầu từ những con đường

Những ngày này, ai quay lại La Gi sẽ cảm nhận dáng dấp một thị xã đang vươn đến tầm của thành phố. Thấy rõ nhất từ những con đường. Không xa lắm, chỉ vài năm trước, La Gi còn bề bộn đường đi, lối lại là đường đất thì nay, hầu như đã láng nhựa hầu hết những tuyến đường bức xúc trong nội thị. Cuộc chỉnh trang đô thị được đẩy mạnh trong năm 2022 kéo dài cho đến ngày sát Tết Quý Mão, mà cụ thể là những tuyến đường mới xuất hiện bất ngờ khiến bao người phải ồ lên ngạc nhiên, khi du xuân vào những ngày tết. Như đường Nguyễn Huệ, tuyến đường dọc hai bên công viên Nguyễn Huệ, là trục trung tâm hành chính của thị xã, quy tụ các cơ quan, đơn vị như Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi, Trường THPT Nguyễn Huệ, Thị ủy La Gi, Khu văn hóa – thể thao... là một ví dụ. Tuyến đường đã xây dựng từ khoảng 20 năm trước, đang dần xuống cấp và đã được nâng cấp, sửa chữa hoàn thành sát ngày giáp tết đẹp khang trang. Trong khi đó, đường Trần Khánh Dư, tuyến kết nối 2 trục ngang chính của đô thị La Gi gồm ĐT719 và đường Hùng Vương, là tuyến đường quan trọng phục vụ cho việc phát triển du lịch của địa phương, cũng là trục giao thông quan trọng của xã Tân Tiến cũng đã được xây dựng xong trong năm mang lại niềm phấn khởi không chỉ cho nhân dân trong vùng. Đây vốn là đường đất, đã xuống cấp, đã gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân và nhất là du khách thập phương đến tham quan du lịch lâu nay.

z4077976188737_97995518c5e40fd72b7be56cba004029.jpg
Đường Nguyễn Huệ được nâng cấp hoàn thành sát Tết Nguyên đán.

Đó là 2 trong hàng chục công trình đường giao thông được xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trong năm 2022, góp phần quyết định sự khang trang của bộ mặt thị xã. Bên cạnh các công trình trên nhiều lĩnh vực khác cũng được nâng cấp, sửa chữa, xây mới như trường học, trạm y tế, chợ… Với 127 công trình bao gồm 42 dự án quy hoạch và chuẩn bị đầu tư, 11 công trình thanh toán nợ, 35 công trình chuyển tiếp và 39 công trình khởi công mới, có tổng vốn hơn 256,24 tỷ đồng, đã tạo một sự đột phá trong đầu tư xây dựng cơ bản ở La Gi trong năm 2022. Và điều đáng nói, trong đó vốn của thị xã xấp xỉ vốn ngân sách tỉnh chuyển về.

Theo nguồn thu đột biến

Trong tổng hơn 256,24 tỷ đồng xây dựng cơ bản trong năm 2022, vốn của tỉnh chuyển về thị xã 131,575 tỷ đồng, còn vốn của La Gi là 124,667 tỷ đồng. Chính nhờ nguồn vốn nội lực này đã giúp thị xã tạo bước đột phá trong xây dựng cơ bản một cách bất ngờ trong năm 2022. Phải nhấn mạnh như vậy, vì năm 2021, thị xã bị ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19. Nhưng bước sang năm 2022, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh chuyển biến tốt với minh chứng qua tổng thu ngân sách trong năm đạt 392 tỷ đồng so với 90 tỷ đồng kế hoạch, đạt đến 435,5% dự toán giao. Trong đó, thu tiền sử dụng đất, khoản thu được đầu tư cho xây dựng cơ bản lên 165 tỷ đồng, đạt gần 500% dự toán. Tất nhiên nếu so với năm 2021, năm bị dịch bệnh thì có con số tăng vọt ấn tượng nhưng thực tế, nếu so năm 2019, thời điểm không bị biến cố gì thì con số trên vẫn rất nổi bật.

Theo phân tích của ông Phạm Trọng Nhân, Chủ tịch UBND thị xã La Gi, trong lĩnh vực thuế gọi đó là khoản thu đột biến, bởi năm 2022, chuyển nhượng giao dịch bất động sản ở thị xã sôi động, có tín hiệu bắt đầu từ ngay đầu năm. Tiên liệu và nắm bắt điều đó, ngay từ đầu năm 2022, hàng loạt công trình bức xúc phải xây dựng đã nằm trong danh mục đầu tư công trung hạn 2021- 2025 trên địa bàn thị xã, xếp vào năm 2023 đã được chỉ đạo chuẩn bị hồ sơ sớm để có thể triển khai xây dựng trong năm 2022. Nhờ sự đồng lòng, dốc sức của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã La Gi cùng các đơn vị liên quan, cuối năm 2022, thị xã đã thi công hoàn thành các công trình nằm trong danh mục năm 2023. Bên cạnh, việc giải ngân đầu tư công cũng song hành nên đến 31/1/2023, thị xã đã giải ngân được 250,9 tỷ đồng/363,6 tỷ đồng khối lượng thực hiện, đạt 97,92% kế hoạch năm.

z4077978448027_302a8daccb7565c6048e22e360fccdb8.jpg
Đường Chu Văn An, xã Tân Hải sau nâng cấp.

Nhờ bước đệm trên, năm nay, thị xã bắt đầu thi công tiếp các danh mục công trình trên địa bàn thị xã đã định kế hoạch trong năm 2024 với hy vọng bên cạnh nguồn vốn của tỉnh chuyển về thị xã là nguồn thu từ tiền sử dụng đất trong kế hoạch là 90 tỷ đồng. Trong bối cảnh hiện tại, khi thị xã với vị thế đã khẳng định theo quy hoạch, với các dự án lớn, nhỏ đã và đang vào thì dù trước mắt đang vướng trong cảnh vướng chung về đất đai nhưng vẫn chứa đựng yếu tố bất ngờ. Vì thực tế giao dịch bất động sản trong dân vẫn tiếp tục đang chảy. Và câu chuyện sẽ khai thác nguồn thu từ tiền sử dụng đất để đầu tư hạ tầng thị xã cũng có thể tiếp tục bất ngờ như năm 2022.

Theo ông Phạm Trọng Nhân, Chủ tịch UBND thị xã La Gi, tình hình thị trường bất động sản năm nay trước mắt không giống năm 2022 nhưng thị xã xác định bằng các giải pháp phải phấn đấu đạt nguồn vốn nội lực của thị xã đặt ra, cùng với nguồn vốn tỉnh chuyển về để đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng thị xã theo hướng về đích sớm. Cụ thể là danh mục công trình trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021- 2025 của thị xã.

BÍCH NGHỊ

Related articles
Bảo đảm an toàn thông tin mạng trong các cơ quan nhà nước
Cùng với việc tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng Internet đã được tỉnh Bình Thuận tăng cường trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương.

(1) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị xã La Gi: Giải bài toán phát triển hạ tầng