Chung sức, chung lòng, khởi sắc nông thôn mới

07/01/2023, 06:13

Một mùa xuân mới lại về, mang theo hương sắc, cờ hoa rực rỡ khắp mọi nẻo đường từ thành thị đến nông thôn, từ đường làng, ngõ nhỏ. Năm 2022 qua đi với không ít khó khăn, nhưng chính sự đồng lòng, ủng hộ ngày càng sâu rộng của người dân, bộ mặt nông thôn mới của tỉnh đang ngày càng khởi sắc. Đây cũng là bước tiến trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2021 - 2025.

“Quả ngọt” năm 2022

Năm 2022 đã trôi qua, dù vẫn còn đó nhiều khó khăn, nhưng hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (PTNT) Bình Thuận cơ bản ổn định. Đáng chú ý, cùng với hoạt động sản xuất, phong trào “Chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh đang từng bước được nâng cao theo hướng thiết thực, hiệu quả. Đây là yếu tố góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, 2022 là năm đầu tổ chức triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM ngày càng mở rộng và chú trọng chất lượng đạt chuẩn, đảm bảo tính bền vững.

z3927183784164_04586f8c898eadd0212b22c95d9aa904.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh (đứng giữa) cùng đoàn Bình Thuận tại hội nghị xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP

Một trong số các xã điển hình xây dựng NTM trong năm qua là Đông Hà (Đức Linh), được công nhận xã đạt chuẩn NTM từ năm 2015. Đến nay, địa phương này đang không ngừng nỗ lực duy trì và nâng cao các tiêu chí, quyết tâm về đích NTM nâng cao vào năm 2022. Trong không khí vui tươi đón mùa xuân mới, ông Lê Mộng Rin - Bí thư Đảng ủy xã Đông Hà tự tin khẳng định: Đến thời điểm này, qua rà soát thực hiện Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, xã có 18/19 tiêu chí đạt theo yêu cầu. Nổi bật về tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất. Hiện trên địa bàn xã đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Bưởi da xanh Đông Hà hoạt động có hiệu quả. HTX đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hưng Phúc để bao tiêu cho 36 ha bưởi da xanh/3 vụ cho các thành viên HTX và nhân dân trên địa bàn...

z3927179005010_c1329767b1464317b4a08ed3c7020f9f.jpg
Một tuyến đường tại xã nông thôn mới Đông Hà (Đức Linh)

Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT - Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh cho biết: 2022 là năm triển khai rất nhiều văn bản liên quan Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Góp phần nâng cao nhận thức và cải thiện năng lực cho cán bộ, đảng viên, người dân và cộng đồng trong xây dựng NTM với nguyên tắc: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể”. Phát huy được sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Kết quả thực hiện trên địa bàn tỉnh đến 30/9/2022 có 69/93 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 74,19% tổng số xã. Ước đến cuối năm 2022 có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn NTM lên 71/93 xã, chiếm 76,3%; có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tiếp tục duy trì 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (Phú Quý và Đức Linh).

z3927183813874_2860afce8b96d5e0d83c03bc0cabf381.jpg
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT (thứ 3 từ trái qua) tham quan gian hàng OCOP Bình Thuận

Thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025

Một trong những mục tiêu trong kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình) là tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Đến năm 2025, tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Trước hết, trong năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

ban-sao-z3321898913572_39fecf01d2fcdc81d453d5e51c5a6ef2-2.jpg
Thu hoạch lúa

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh nhấn mạnh, các nội dung thành phần của Chương trình gồm việc nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch. Triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn, phát triển du lịch nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn, chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng- xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống vùng nông thôn…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Trong giai đoạn thực hiện Chương trình này, Bình Thuận đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông minh, cơ giới hóa vào sản xuất. Thúc đẩy liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Vận động, khuyến khích người dân tham gia, đóng góp xây dựng NTM theo hình thức tự nguyện, không huy động quá sức dân và để phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản của chương trình. Đối với các xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục thực hiện nâng chuẩn chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao hướng đến xã NTM kiểu mẫu. Đối với các xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM, phải bảo đảm chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích.

Trên con đường xây dựng nông thôn mới, nếu huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, đồng lòng, cùng chung sức, chung lòng của nhân dân, chắc chắn bộ mặt NTM của tỉnh ngày càng khởi sắc, phát triển, trở thành miền quê đáng sống.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM Bình Thuận, dự kiến ngân sách nhà nước bố trí cho Chương trình khoảng 1.618,637 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 648,637 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương đối ứng, tương đương khoảng 970 tỷ đồng. Tổng vốn huy động nguồn lực thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến khoảng 29.646,763 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương và địa phương, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng.

KIỀU HẰNG

Related articles
 60 cán bộ được bồi dưỡng xây dựng nông thôn mới
BTO- Sáng 23/11, 60 cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) cấp thôn trong toàn tỉnh tham gia lớp tập huấn về xây dựng NTM do Văn Phòng Điều phối NTM tỉnh phối hợp với với Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp & PTNT II tổ chức.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chung sức, chung lòng, khởi sắc nông thôn mới