Tân Thuận: Nông dân xoay xở giữ diện tích thanh long

19/12/2022, 15:39

Tiếp tục đẩy mạnh chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vừa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng sản phẩm nông nghiệp. Đây là cách mà nông dân xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) xoay xở khi giá thanh long thời gian qua bấp bênh, chạm đáy.

Thanh long gặp khó

Đời sống của nhân dân xã Tân Thuận chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp, trong đó cây trồng chủ lực là thanh long với diện tích 1.783 ha, ngoài ra còn một số cây trồng khác là lúa, bắp và làm muối. Thanh long từng là “cây làm giàu” giúp nhiều nông dân ở Tân Thuận đổi đời, khắp thôn trong xã những căn nhà mái Thái xây dựng khang trang ở xã mọc lên càng nhiều, nông dân sắm xe ô tô không phải là chuyện hiếm. Tuy vậy, 2 năm gần đây giá thanh long bấp bênh trong khi giá vật tư đầu vào sản xuất tăng cao người dân gặp nhiều khó khăn.

Xã Tân Thuận khấm khá lên nhờ cây thanh long.

Ông Ngô Quốc Huy – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận cho biết: Năm 2022 thật sự khó khăn với nông dân ở xã, nhất là giá thanh long xuống thấp, nhiều vườn thanh long nông dân phải cắt giảm đầu tư vì không có lãi, diện tích thanh long vì thế giảm đi, nông dân bỏ vườn đi làm thuê cho các công ty sản xuất, đóng gói thanh long. Toàn xã có 13 vựa thanh long lớn, trong số đó 5 vựa phát triển thành công ty, nhiều vựa nhỏ phải đóng cửa chỉ có những công ty xuất khẩu chính ngạch mới duy trì được. Chưa kể sản xuất nông nghiệp thiệt hại do mưa lớn gây ngập úng một số diện tích thanh long, hoa màu gây hư hại cho bà con với khoảng 108 hộ, diện tích gần 40 ha.

Trước khó khăn, địa phương tiếp tục quan tâm vận động người dân chú trọng canh tác thanh long theo tiêu chuẩn đảm bảo yêu cầu của thị trường xuất khẩu, hướng đến phát triển cây trồng này theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng. Đồng thời, vận động nhân dân nạo vét kênh mương, làm thủy lợi nhỏ phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê của UBND xã Tân Thuận, tính đến tháng 11 toàn xã thực hiện tái cấp thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP 745,3 ha của 15 nhóm/432 hộ, cấp mới 10 ha. Trong đó, Hợp tác xã GlobalGAP đã công nhận 153 ha/52 thành viên, công tác tái cấp 10/15 nhóm với diện tích 479,9 ha, trong đó cấp mới 64,14 ha.

Nhiều cách làm kinh tế ở Tân Thuận xoay sở khi thanh long giá cả bấp bênh

Chuyển đổi cây trồng - lấy ngắn nuôi dài

Cùng với đẩy mạnh phát triển thanh long theo tiêu chuẩn an toàn, ở xã nhiều nông dân chuyển đổi một số cách làm kinh tế lấy ngắn nuôi dài. Trong đó, các mô hình trồng nấm mối đen, trồng rau sạch, nuôi gà thả vườn, trồng dưa kết hợp nuôi heo rừng lai, kinh doanh nước đóng chai… cho hiệu quả kinh tế cao. Bà Nguyễn Thị Phương Loan ở thôn Hiệp Lễ vừa canh tác thanh long vừa trồng dừa cho hiệu quả kinh tế khá. Nhiều diện tích thanh long già cỗi được bà Loan trồng xen canh dừa, cây dừa còn nhỏ hầu như không ảnh hưởng đến việc chăm sóc, thu hoạch thanh long. Bước sang năm thứ 2 khi cây dừa bắt đầu ra trái, bà Loan quyết định phá bỏ thanh long. Hiện diện tích dừa đã cho trái với khoảng chừng 3 sào, số cây dừa còn lại đã hơn 1 năm tuổi trồng xen với thanh long.

Còn bà Kiều Thị Thuận ở thôn Hiệp Nhơn gắn bó với cây thanh long đã 20 năm nay. Từng có những thời gian hoàng kim, nhờ cây thanh long giúp gia đình bà cho con ăn học đến nơi đến chốn, kinh tế gia đình khấm khá bà quyết tâm giữ bằng được cây trồng này bởi lợi ích kinh tế mà nó mang lại. Bà Thuận nói: “2 năm nay giá cả bấp bênh, càng đầu tư càng lỗ nhưng gia đình tôi vẫn quyết giữ 500 trụ thanh long bằng cách giảm phân bón chỉ chăm sóc vườn, làm cỏ, tưới nước. Tôi chỉ phá bỏ bớt 200 trụ chuyển sang trồng rau gia vị hành, ngò, húng, quế bỏ cho các quán ăn. Nhờ nguồn cung rau ở Tân Thuận ít, rau bán rất chạy, bỏ mối cho tiểu thương trong xã và các xã Tân Tiến, Tân Hải và chợ La Gi giúp gia đình thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống và đầu tư cho cây thanh long chờ đợi giá cả ổn định thời gian tới”…

Bà Kiều Thị Thuận ở thôn Hiệp Nhơn trồng rau gia vị lấy ngắn nuôi dài đầu tư cho thanh long.

Sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh nói chung và xã Tân Thuận nói riêng. Cùng với sự vượt khó của nông dân khi xoay xở giữ lại cây trồng chủ lực, thì cũng cần sự đồng hành của cơ quan liên quan, để giúp các nhà vườn chú trọng thay đổi canh tác sản xuất ra trái thanh long an toàn, phục vụ xuất khẩu ra các thị trường khó tính để phát triển bền vững.

THANH DUYÊN

Related articles
Nỗi lo tưởng nhỏ của Tân Thuận
Cuối tháng 11/2022, Tân Thuận – Hàm Thuận Nam đã có số thu ngân sách ấn tượng, đó là hơn 10 tỷ đồng so với kế hoạch 2,4 tỷ đồng.

(0) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tân Thuận: Nông dân xoay xở giữ diện tích thanh long