Hoàn thiện chương trình hành động về phát triển “tam nông”

22/11/2022, 05:14

Bình Thuận đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, nông dân và cư dân nông thôn của tỉnh có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, bền vững, hiệu quả, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nông nghiệp phát triển khá toàn diện

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Bình Thuận, qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26 ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy (khóa XI) thực hiện nghị quyết này cho thấy tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đó là nông nghiệp có bước phát triển khá toàn diện, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực, năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng lên…

z3829983844794_2b8354b2813fca6949977bcef18e8d1c.jpg
Sơ chế thanh long xuất khẩu

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, kinh tế nông nghiệp phát triển chưa vững chắc, sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, phân tán. Nhất là việc liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế. Trong đó, một trong những nguyên nhân đó là đầu tư từ ngân sách nhà nước cho tam nông còn hạn chế, hiệu quả thu hút, sử dụng vốn đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa cao...

Chính vì vậy, mới đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã họp bàn, cho ý kiến về chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp toàn tỉnh đạt bình quân từ 2,8 - 3,3%/năm; năng suất lao động nông nghiệp bình quân tăng từ 7 - 8%/năm. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2 – 2,5 lần so năm 2020…

thu-hoah.jpg
Thu hoạch lúa.

Nâng cao vai trò, vị thế của người dân

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của dự thảo Chương trình hành động được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến, đó là nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính... Song song, tiếp tục đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện công tác sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu. Bảo tồn và phát triển giống bản địa có giá trị cao.

Nhấn mạnh về lĩnh vực trồng trọt, nội dung chương trình hành động cho rằng, cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, có điều kiện kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ.

Khuyến khích phát triển cây dược liệu, phấn đấu đưa cây dược liệu trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Bình Thuận. Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2020. Khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với tam nông. Nhất là chú trọng phát triển thị trường nông sản trong nước, giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số ít thị trường. Chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch đối với các sản phẩm chủ lực. Đặc biệt, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tam nông.

KIỀU HẰNG

Related articles
Tuy Phong phát huy lợi thế về nông nghiệp
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, năm 2022 huyện Tuy Phong tập trung chỉ đạo, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương đã đạt được một số kết quả tích cực. Với đặc trưng khí hậu nắng gió nhiều, huyện Tuy Phong đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường. Trong đó, cơ cấu cây trồng có bước chuyển biến tích cực.

(0) Comments
Focus
Kính mời độc giả đón đọc báo in Bình Thuận hôm nay (26/12)
La Gi thu ngân sách vượt dự toán; Táo xanh - hương vị nắng gió vươn xa; Nhân dân đồng tình sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy; Vì sao Tánh Linh hay bị thiên tai?; Cần làm rõ dấu hiệu lừa đảo qua “chạy” cấp phép mỏ khoáng sản?; Đức Linh: Sự quan trọng của tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn mới; Hội thảo mô hình “Sản xuất rau hướng hữu cơ đạt chứng nhận VietGAP”… là những bài viết đáng chú ý trong số báo in xuất bản ngày 26/12/2024. Mời quý độc giả đón đọc.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoàn thiện chương trình hành động về phát triển “tam nông”