Cơ hội mới từ sầu riêng Đa Mi

26/10/2022, 05:12

Vừa qua, ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức lễ công bố mã số vùng trồng sầu riêng Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây không chỉ là bước ngoặt mới của sản xuất nông nghiệp, mà còn là sự ghi nhận cho sự cố gắng của những người sản xuất, xây dựng và lan tỏa thương hiệu OCOP cho sản phẩm sầu riêng.

Thương hiệu vươn xa

Theo đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, 2 đơn vị được phía Trung Quốc đồng ý cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường nước này là Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (HTX SXKDDV-NN) Đa Mi với diện tích trồng sầu riêng 33,5 ha và Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ A Hùng với diện tích trồng 40 ha. Đáng chú ý, đây là hai trong số mã số vùng trồng sầu riêng đầu tiên của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mở ra hướng đi tích cực cho sầu riêng của tỉnh trong thời gian đến.

sau-rieng-da-mj.jpg
Sầu riêng Đa Mi

Lâu nay, Đa Mi được nhắc đến là vùng đất có khí hậu ôn hòa, thích hợp cho nhiều loại trái cây, trong đó có trái sầu riêng. Nổi bật, Trang trại A Hùng là một trong những nơi trồng sầu riêng quy mô lớn trên địa bàn. Toàn bộ diện tích canh tác đều đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện sầu riêng đang ở thời kỳ kinh doanh từ 6 - 10 năm tuổi, gồm 2 giống chủ lực là Ri 6 và Monthong. Theo đại diện công ty, tùy chủng loại cây giống và tuổi sầu riêng, chủ trang trại bố trí đội kỹ thuật chăm sóc phù hợp. Đặc biệt, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, đảm bảo cho ra những trái sầu riêng ngon nhất, có màu sắc vàng ươm bắt mắt, thịt dẻo, ngọt. Song song, có sự kiểm soát gắt gao từng trái nên đem lại an toàn và sự hài lòng cho khách hàng.

Công ty TNHH A Hùng với hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực trồng và xuất khẩu trái sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc. Đến năm 2019, công ty mới chính thức đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để sơ chế sầu riêng cấp đông xuất khẩu. Bên cạnh vùng trồng sầu riêng của trang trại, nhiều năm nay, đơn vị còn liên kết với hơn 10 hộ dân trên địa bàn xã Đa Mi mở rộng vùng nguyên liệu trồng sầu riêng an toàn thêm 20 ha đáp ứng nhu cầu nông sản sạch phục vụ xuất khẩu. Năng suất sầu riêng ở trang trại A Hùng và các hộ liên kết đạt mức 20 - 25 tấn/ha. Thông thường, từ 3 - 4 kg sầu riêng còn vỏ sẽ thu được 1 kg thịt cơm sầu riêng cấp đông, với giá bán dao động 150.000- 160.000 đồng/kg. Năm đầu tiên công ty đã xuất khẩu được gần 40 tấn sầu riêng cấp đông, đến năm 2020 tăng lên 130 tấn, năm 2021 cũng như 10 tháng của năm 2022 đã chạm đến con số 150 tấn. Trong số này, thị trường Trung Quốc nhập khẩu chiếm 80 - 85%.

z3826485666201_9c928718658e15e3a149dca57c6f12fb.jpg
Lễ công bố mã số vùng trồng sầu riêng

Tiếp tục giám sát vùng trồng

Còn với HTX SXKD - DV NN Đa Mi được thành lập với 11 thành viên, đến nay có 20 thành viên cùng trên 60 ha cây sầu riêng và cây ăn quả các loại. Việc sản xuất trái cây an toàn đã và đang được nhiều nhà vườn, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng để xuất khẩu và bán tại thị trường chính ngạch. Vì vậy, trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu cho trái cây Đa Mi. Đồng thời đăng ký sản phẩm tham gia OCOP cấp huyện và tỉnh. Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong HTX. Phát huy các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ. Xây dựng thương hiệu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường…

Trở lại với lễ công bố mã số vùng trồng sầu riêng tại xã Đa Mi vừa qua, bà Nguyễn Thị Phương Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Việc cấp mã số vùng trồng cho vườn sầu riêng của HTX SXKD - DV NN Đa Mi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là bước đầu thành công của Bình Thuận. Song song, chi cục cũng đề nghị HTX thực hiện giám sát vườn trồng được cấp mã số vùng trồng, đặc biệt là quản lý sinh vật gây hại (ruồi đục trái) và giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của nước nhập khẩu. Cùng với đó, thường xuyên tự cập nhật các thông tin quy định mới về cấp và duy trì mã số vùng trồng. Lưu giữ các hồ sơ, tài liệu của vùng trồng đã được cấp mã số để cung cấp khi có yêu cầu. Đáng lưu ý thêm, hàng năm trước khi thu hoạch 60 ngày, HTX cần có công văn đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra, giám sát vùng trồng của HTX để duy trì mã số vùng trồng đã được cấp. Trong trường hợp không đề nghị kiểm tra, giám sát lại vùng trồng thì mã số sẽ bị thu hồi.

Sản xuất và xuất khẩu nông sản nói chung, trái sầu riêng của Bình Thuận nói riêng đang mở ra cơ hội lớn. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít thử thách đang ở phía trước, đòi hỏi sự cố gắng, phối hợp từ nhiều phía, nhất là giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, cá nhân tham gia sản xuất để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.800 ha sầu riêng đang trong thời kỳ kinh doanh với sản lượng thu hoạch khoảng 40.000 tấn mỗi năm. Trong đó, tập trung chủ yếu ở xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc); xã Đức Phú (Tánh Linh); xã Mê Pu và Đa Kai (Đức Linh).

KIỀU HẰNG

Related articles
Siết quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu
Theo Cục Bảo vệ thực vật, thời gian gần đây, hiện tượng sử dụng sai mã số và sử dụng mã số của tổ chức, cá nhân khác để xuất khẩu hàng hóa ngày càng diễn ra phức tạp. Sai phạm khi sử dụng không đúng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đã khiến nước nhập khẩu cảnh báo vi phạm hoặc tạm dừng nhập khẩu. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến uy tín hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, nghiêm trọng hơn sẽ làm mất thị trường xuất khẩu.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ hội mới từ sầu riêng Đa Mi